Giá dầu tại châu Á giảm do cung vượt xa cầu

Trên sàn giao dịch điện tử châu Á chiều 25/2, giá dầu đã để mất đà tăng lúc đầu phiên, trong bối cảnh nguồn cung vượt xa nhu cầu.
Trên sàn giao dịch điện tử châu Á chiều 25/2, giá dầu đã để mất đà tăng lúc đầu phiên, trong bối cảnh nguồn cung dầu thô trên quy mô toàn cầu vẫn vượt xa nhu cầu.

Giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng 4/2010 giảm 32 xu xuống 79,68 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tại London giảm 29 xu xuống 77,8 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích Victor Shum thuộc công ty tư vấn năng lượng Purvin and Gertz (có trụ sở tại Singapore nhận định: Không có gì đáng ngạc nhiên khi giá dầu nằm dưới mốc 80 USD/thùng.

Một số nhân tố tác động tiêu cực tới thị trường vẫn đang tồn tại, chẳng hạn như vấn đề nợ tại khu vực châu Âu. Kể từ cuối năm ngoái tới nay, giá dầu chủ yếu được giao dịch trong biên độ 70-80 USD/thùng.

Rất khó để giá dầu bật lên và vững ở mức trên 80 USD/thùng, trong bối cảnh nhu cầu không ngừng co lại và các kho dự trữ đang ngày một đầy lên.

Tại thị trường New York phiên 24/2, giá dầu tăng 1,14 USD/thùng, sau khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke lên tiếng ủng hộ đồng USD yếu, khiến hoạt động mua vào trên thị trường năng lượng được đẩy mạnh.

Ông Bernanke tuyên bố FED sẽ giữ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian nữa, khi đà phục hồi kinh tế chạy đúng đường ray.

Phát biểu tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED cho rằng với tỷ lệ thắt nghiệp vẫn khá cao, FED cần duy trì chính sách tiền tệ kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Clarence Chu, chuyên gia giao dịch của Hudson Capital Energy (có trụ sở tại Singapore), trong thời gian ngắn hạn, rất khó để giá dầu vững ở mức trên 80 USD/thùng, khi cung đang lớn hơn cầu.

Các nhà giao dịch trên thị trường năng lượng cũng đang theo dõi những diễn biến tại Pháp, nơi công nhân ở một số cơ sở lọc dầu đã ngừng bãi công, sau khi đạt được sự nhượng bộ từ phía tập đoàn dầu khí Total.

Total là công ty dầu mỏ lớn thứ 6 thế giới về doanh số bán và là công ty lớn nhất Pháp về vốn. Total nhất trí với giới công đoàn rằng trong 5 năm tới sẽ không đóng cửa hay bán các cơ sở lọc dầu của hãng tại Pháp.

Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu ở Dunkirk (miền Bắc nước Pháp) -"tâm điểm" của vụ bãi công- lại không nằm trong khuôn khổ thỏa thuận trên./.

Hương Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục