“Giá đấu thầu cạnh tranh nên ngăn ngừa được đầu cơ”

Giá trúng thầu vàng được xác định trên cơ sở cạnh tranh, bám sát giá thị trường, do vậy đã ngăn ngừa một cách hiệu quả sự đầu cơ.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù giá vàng thế giới biến động rất mạnh nhưng thị trường vàng trong nước khá ổn định, không có những cơn “sốt vàng”, không còn hiện tượng “làm giá”, tạo sóng, thao túng thị trường để kiếm lời của giới đầu cơ.

Tuy nhiên, vẫn nhiều câu hỏi đang được đặt ra cho các nhà quản lý trong việc giữ ổn định thị trường vàng. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối-Ngân hàng Nhà nước xung quanh vấn đề này.

- Ông có thể đánh giá khái quát về diễn biến của thị trường vàng trong nước thời gian qua?

Ông Nguyễn Quang Huy: Trước khi đưa ra đánh giá về diễn biến thị trường vàng thời gian qua, tôi lưu ý bốn sự kiện chúng ta cần quan tâm từ đầu năm đến nay.

Thứ nhất, trong hơn 8 tháng qua, diễn biến của giá vàng rất phức tạp, về tổng thể so với đầu năm, giá vàng thế giới hiện nay giảm trên 20%. Thứ hai, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất và thực hiện đấu thầu bán vàng miếng trên thị trường với tư cách là người mua bán, can thiệp cuối cùng. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới mua bán vàng miếng từ mạng lưới rất rộng trên 12.000 điểm xuống còn 2.500 điểm được cấp phép. Thứ tư, trong 6 tháng đầu năm 2013, các tổ chức tín dụng đã thực hiện tất toán toàn bộ số dư, huy động vàng, mua lại vàng để trả cho người dân với khối lượng khoảng 30 tấn.

Có thể nói, trong thời gian qua, với việc Ngân hàng Nhà nước triển khai Nghị định 24 và trực tiếp tham gia với tư cách là người mua bán cuối cùng thì thị trường vàng của Việt Nam đã tương đối ổn định và sự đầu cơ, lũng đoạn, làm giá trên thị trường đã không còn.

Trước đây, trung bình mỗi năm nước ta phải nhập khẩu khoảng 50-100 tấn vàng, toàn bộ lượng ngoại tệ nhập khẩu được lấy từ nền kinh tế, do vậy nhập khẩu vàng trên quy mô lớn đã ảnh hưởng đến tỷ giá, CPI. Đến nay cung vàng miếng mới ra thị trường chỉ ở mức 29 tấn (trong tổng số 59 tấn đấu thầu), điều này cho thấy nhu cầu vàng miếng trong nước vẫn còn nhưng đã giảm nhiều so với giai đoạn trước.

Tôi cho rằng đây là kết quả bước đầu rất quan trọng trong quá trình sắp xếp lại tổng thể thị trường vàng miếng của Việt Nam. Với việc tham gia thị trường trong thời gian vừa qua cũng có thể thấy khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện bình ổn thị trường vàng về lâu dài là rất rõ ràng.

- Khi biên độ giá vàng trong và ngoài nước được thu hẹp, một số chuyên gia khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước nên ngừng đấu thầu vàng, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Huy: Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đánh giá tình hình mất cân đối về cung cầu vàng miếng trong nước đã được thu hẹp và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những điều chỉnh phù hợp với diễn biến cung cầu trên thị trường, đặc biệt là điều chỉnh khối lượng đưa ra đấu thầu mỗi phiên cũng như tần suất đấu thầu.

Về tổng thể, Ngân hàng Nhà nước hiện đang liên tục theo dõi, đánh giá diễn biến cung cầu trên thị trường và khi còn nhu cầu bình ổn thị trường vàng thì sẽ tổ chức đấu thầu. Tần suất cũng như khối lượng đấu thầu sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến cung cầu vàng miếng trên thị trường.

- Trong khoảng hai năm qua, biên độ giá vàng trong và ngoài nước mới co về mức thấp như hiện nay, tại sao Ngân hàng Nhà nước không tận dụng cơ hội này kéo gần khoảng cách này hơn nữa, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Huy: Thực ra, quản lý vàng là câu chuyện dài hơi thay vì “ngày một, ngày hai”. Chúng ta biết rằng, giá vàng thế giới biến động rất dữ dội và liên tục. Nếu vì thành tích, chúng tôi có thể hạ nhiệt ngay trong một thời gian ngắn, nhưng điều đó không bền vững và không phải là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.

- Trong nhiều phiên đấu thầu vàng miếng, giá trúng thầu cao hơn giá các doanh nghiệp thu mua ngoài thị thường khoảng 200.000 – 300.000 đồng/lượng. Ông có bình luận gì về diễn biến này?

Ông Nguyễn Quang Huy: Khi tổ chức đầu thầu vàng miếng thì Ngân hàng Nhà nước đặt giá sàn để đấu thầu và trên cơ sở giá sàn của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp tham gia đấu thầu sẽ tự quyết định mức giá của mình là cao hơn bao nhiêu so với giá sàn.

Theo quan sát, chúng tôi thấy mức giá đặt và trúng thầu của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp rất cạnh tranh và mức giá cũng khác nhau. Giá họ đặt dựa trên cơ sở kỳ vọng của họ về diễn biến của giá vàng trong thời gian tới, đặc biệt trong những ngày tiếp theo cũng như là cầu về vàng tại thị trường trong nước. Mức giá do các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp quyết định hoàn toàn dựa trên nhận định và đánh giá của họ.

- Vậy, Ngân hàng Nhà nước làm thế nào để ngăn chặn được hiện tượng đầu cơ, làm giá vàng trên thị trường?

Ông Nguyễn Quang Huy: Để ngăn chặn việc này, hàng ngày Ngân hàng Nhà nước theo dõi, giám sát chặt chẽ báo cáo của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về tình hình sử dụng vàng miếng mua từ Ngân hàng Nhà nước, trong đó các đơn vị báo cáo chi tiết về mục đích sử dụng, các khoản đã bán cho từng đối tượng tại mức giá và khối lượng cụ thể.

Từ ngày 28/3/2013 đến 25/9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 61 phiên đấu thầu, tổng khối lượng vàng miếng đã bán ra thị trường khoảng 59,87 tấn. Trong tổng số khối lượng vàng miếng trúng thầu, có gần 30 tấn được các tổ chức tín dụng sử dụng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng; phần còn lại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã sử dụng để bán lại trên thị trường.

Toàn bộ quy trình đấu thầu bán vàng miếng được thực hiện thông suốt, an toàn, công khai, minh bạch. Giá trúng thầu được xác định trên cơ sở cạnh tranh, luôn bám sát giá thị trường và định hướng thị trường, do vậy đã ngăn ngừa một cách hiệu quả đâu cơ, làm giá.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hàng ngày phải báo cáo chi tiết về doanh số mua, doanh số bán vàng miếng (cụ thể về khối lượng, giá trị) cho từng đối tượng khách hàng là tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, kết quả cho thấy số lượng vàng các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trúng thầu bán lại ra thị trường chủ yếu cho đối tượng là khách hàng cá nhân.

Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, hàng ngày Ngân hàng Nhà nước quy định và theo dõi việc tổ chức tín dụng không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng.

Thực tế trong giai đoạn vừa qua, các tổ chức tín dụng đều nghiêm túc tuân thủ quy định này của Ngân hàng Nhà nước, toàn hệ thống duy trì trạng thái vàng ở mức trung bình khoảng 0,14% trên vốn tự có.

Nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ vàng, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương triển khai Quyết định số 20/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống rửa tiền, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường theo dõi, giám sát báo cáo chi tiết các giao dịch của các doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng với khách hàng có giá trị lớn trên 300 triệu đồng.

- Theo ông, những nguyên nhân nào còn có thể gây ảnh hưởng đến giá vàng từ nay đến cuối năm?

Ông Nguyễn Quang Huy: Theo tôi việc dự báo giá vàng trong ngắn hạn là rất khó, các chuyên gia cũng như các tổ chức kinh doanh vàng lớn trên thế giới cũng đều đưa ra những dự báo cho thời gian tới.

Tuy nhiên các dự báo khác nhau, nhìn về dài hạn, giá vàng cũng như giá các mặt hàng nguyên liệu phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt là chính sách tiền tệ tài khóa của các nước công nghiệp lớn.

Dự kiến trong thời gian tới, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà phục hồi và ngân hàng trung ương của các nước công nghiệp lớn có thể sẽ áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn. Điều này có tác động giảm giá vàng về dài hạn.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục