Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu trong tuần qua

Thị trường nhiên liệu thế giới trong tuần qua cũng hết sức ảm đạm, khi giá dầu liên tiếp tụt xuống các mức thấp kỷ lục của tháng.
Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường hàng hóa toàn cầu, diễn biến của thị trường nhiên liệu thế giới trong tuần qua cũng hết sức ảm đạm, khi giá dầu liên tiếp tụt xuống các mức thấp kỷ lục của tháng.

Điều này đã khiến nỗ lực bứt phá đi lên của giá “vàng đen” trong hai phiên cuối tuần trở nên kém hấp dẫn.

Đầu tuần (ngày 21/5), hoạt động đầu cơ hàng hóa giá rẻ cùng với những lo ngại về diễn biến căng thẳng tại Iran đã đẩy giá dầu mỏ đi lên tại thị trường Mỹ. Thêm vào đó, thị trường năng lượng còn nhận được sự hỗ trợ từ kết quả tích cực của cuộc họp Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8), sau khi lãnh đạo các nước này cam kết sẽ giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cân bằng giữa các biện pháp khắc khổ và tăng trưởng.

Tuy nhiên, giá dầu liên tiếp sụt giảm mạnh trong những phiên sau đó, do xuất hiện xu hướng né tránh các tài sản rủi ro của giới đầu tư, sau khi cựu Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos bất ngờ đưa ra lời cảnh báo rằng Athens có thể sẽ rời khỏi khu vực Eurozone .

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định rằng châu Âu, nơi tiêu thụ 18% sản lượng dầu của thế giới, có thể rơi vào suy thoái trong năm 2012 nếu các nhà lãnh đạo không kịp thời đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế. Điều này có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới, trong thời điểm mà nguồn cung đang có xu hướng gia tăng, với việc Arập Xêút và Libya đều nâng dự báo về sản lượng dầu trong năm nay.

Bên cạnh đó, việc Iran đồng ý để các giám sát viên của Liên hợp quốc tới nước này thanh sát chương trình hạt nhân mới được cho là một động thái nhượng bộ, giúp tình hình căng thẳng giữa Têhêran và các nước phương Tây trở nên “dễ thở” hơn, song chính điều này lại là nhân tố khiến giá dầu đua nhau “lao dốc.”

Đáng chú ý là trong phiên giao dịch ngày 23/5, giữa lúc đồng euro chìm xuống mức đáy của 22 tháng qua, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 7/2012 cũng giảm tới 1,95 USD xuống 89,9 USD/thùng-mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011.

Tới phiên giao dịch ngày 24/5, giá dầu bật tăng trở lại sau khi cuộc họp kéo dài 2 ngày giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) tại Baghdad xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này đã không đạt được bước đột phá nào. Theo giới phân tích, giá dầu phục hồi một phần cũng là do nhiều nhà đầu tư tung tiền "săn" hàng giá hời khi mặt hàng nguyên liệu chiến lược này đã giảm xuống các mức quá thấp trong nhiều tháng qua, thậm chí giá dầu ngọt nhẹ đã "bốc hơi" tới 16 USD/thùng chỉ trong vòng 3 tuần trở lại đây, xuống dưới ngưỡng 90 USD/thùng.

Những bế tắc trong tình hình kinh tế-chính trị tại châu Âu cùng với sự bất đồng dai dẳng giữa Iran và phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân của nước này đã tiếp tục đẩy giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần (25/5). Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2012 tại sàn New York tăng 20 xu, tương đương 0,2%, lên 90,86 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá mặt hàng này vẫn giảm 0,7%. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển giao cùng kỳ hạn cũng tăng 28 xu, lên 106,83 USD/thùng .

Nhưng dù sao thông tin nhóm P5+1 và Iran sẽ gặp lại nhau trong hai ngày 18-19/6 tại thủ đô Mátxcơva của Nga đã phần nào trấn an tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng và góp phần hỗ trợ giá dầu đi lên.

Cũng trong phiên giao dịch 25/5, giá xăng giao tháng 6/2012 tại Mỹ tăng 2 xu (0,6%), lên 2,89 USD/gallon. Giá dầu sưởi ấm tăng 1 xu (0,2%), lên 2,83 USD/gallon. Ngược lại, giá khí tự nhiên lại giảm 8 xu, tương đương 3%, xuống còn 2,57 USD/triệu BTU. Tính chung cả tuần qua, giá dầu sưởi và xăng đều đi ngang, trong khi giá khí tự nhiên kỳ hạn giảm tới 6,4%./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục