Giá dầu thị trường thế giới tăng, giảm thất thường

Nếu như phiên giao dịch 13/1 tại New York và London giá dầu giảm thì ngày 14/1 tại châu Á, giá dầu lại biến động không đồng nhất.
Trong phiên giao dịch ngày 13/1, giá dầu thế giới đồng loạt đi xuống, do "cú sốc" về thị trường lao động Mỹ.

Song đến chiều 14/1, tại châu Á, giá dầu biến động không đồng nhất, do tâm lý của các nhà đầu tư đã dịu xuống và họ tiếp tục "ngóng đợi" những dấu hiệu tích cực mới từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chốt phiên 13/1, giá dầu thô ngọt nhẹ New York giao tháng 2/2011 giảm 46 xu xuống 91,40 USD/thùng; còn giá dầu thô Brent Biển Bắc tại London giao cùng kỳ hạn giảm 6 xu và xuống 98,06 USD/thùng, sau khi có thời điểm đã vọt lên 98,67 USD/thùng.

Song, đến chiều 14/1 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc tháng 2/2011 tăng 30 xu và lên 98,36 USD/thùng; trong khi giá dầu ngọt nhẹ giao cùng kỳ hạn giảm 23 xu và xuống 91,17 USD/thùng.

Giới giao dịch cho biết đầu phiên 13/1, giá dầu thế giới được đẩy lên cao hơn, nhờ đồng USD yếu đi so với đồng euro, trước thông tin cuộc bán đấu giá trái phiếu của Tây Ban Nhà và Italy đều thành công.

Tuy nhiên, đến cuối phiên, dầu quay đầu giảm giá, do Mỹ công bố số liệu cho thấy đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này tăng cao và đường ống dẫn dầu xuyên Alaska hoạt động trở lại.

Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, số người xin trợ cấp thất nghiệp của nước này đã tăng thêm 35.000 người trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự kiến.

Ong Yi Ling, nhà phân tích đầu tư của công ty Phillip Futures, có trụ sở tại Singapore, nhận định các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 12/2010, trong bối cảnh "sức khỏe" của kinh tế Mỹ - nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới - có mối quan hệ chặt chẽ đối với thị trường "vàng đen."

Theo nhà phân tích này, nếu doanh số bán lẻ trong tháng 12/2010 của Mỹ tăng, nó sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế và đẩy giá dầu mỏ đi lên./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục