Giá dầu trên thị trường châu Á bất ngờ đảo chiều

Giá dầu thô trên thị trường châu Á phiên chiều 8/11 diễn biến hoàn toàn trái ngược với xu thế đi lên đêm trước và sáng cùng ngày.
Giá dầu thô quay đầu đi xuống trong phiên chiều 8/11 trên thị trường châu Á, vào thời điểm các thị trường đang tập trung vào tình trạng lãi suất trái phiếu của Italy lên quá cao như là một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) còn xa mới kết thúc.

Chiều 8/11 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12/2011 giảm 13 cent xuống 95,39 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 21 cent còn 114,35 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu thô diễn biến hoàn toàn trái ngược với xu thế đi lên đêm trước và sáng cùng ngày trên sàn Singapore, trong bối cảnh Hy Lạp đạt được những bước tiến trong nỗ lực thành lập chính phủ mới, cùng với căng thẳng dấy lên giữa hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ quan trọng trên thế giới là Iran và Nigeria.

Trong phiên đầu tuần, thông tin tích cực từ Hy Lạp cũng góp phần đẩy giá dầu lên cao trên cả hai sàn giao dịch chủ chốt của phương Tây là New York và London.

Chốt phiên 7/11 tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12/2011 tăng 1,26 USD lên 95,52 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tại London tăng 2,59 USD lên 114,56 USD/thùng.

Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Barclays cho biết thị trường dầu mỏ được hỗ trợ bởi thông tin Hy Lạp gần tiến tới thành lập chính phủ mới và đây được coi là những bước đi tích cực của nước này đạt được để hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.

Đài truyền hình quốc gia Hy Lạp NET ngày 7/11 đưa tin hai chính đảng lớn của nước này đã nhất trí về một vị thủ tướng lâm thời nhằm đưa Hy Lạp thoát khỏi tình trạng bế tắc và tránh nguy cơ vỡ nợ.

Ngày 8/11, Quốc hội Italy họp để thảo luận và sau đó bỏ phiếu về một dự luật cải cách ngân sách được chính phủ nước này đề xuất, trong đó Italy cam kết sẽ thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Đây thực chất không phải là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mà sẽ là một phép thử thực sự khả năng duy trì quyền lực của ông Berlusconi.

Nếu dự luật không được thông qua, điều này rất có thể sẽ báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên của Berlusconi. Hiện Italy đã trở thành tâm điểm của những lo lắng bao trùm Eurozone và động thái từ đây đang và sẽ gây ra những chuyển biến lớn trên thị trường thế giới./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục