Giá dầu xuống mức thấp nhất trong 22 tháng qua

Giá dầu thế giới tiếp tục chịu sức ép giảm giá trong phiên giao dịch ngày 18/11, với việc rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 22 tháng trở lại đây, do những lo ngại về việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và những tác động tiêu cực của việc nhu cầu năng lượng giảm sút.

Giá dầu thế giới tiếp tục chịu sức ép giảm giá trong phiên giao dịch ngày 18/11, với việc rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 22 tháng trở lại đây, do những lo ngại về việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và những tác động tiêu cực của việc nhu cầu năng lượng giảm sút.

Cuối phiên 18/11 tại Sở giao dịch hàng hóa New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12 đã giảm 56 xu xuống 54,39 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 29/1, sau khi có lúc rơi xuống mức thấp 53,96 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 47 xu, còn 51,84 USD/thùng.

Đến phiên 19/11 tại châu Á, giá dầu vẫn đứng ở gần mức thấp nhất trong vòng 22 tháng, và theo các nhà phân tích xu hướng đi xuống này sẽ vẫn tiếp diễn do những lo ngại về việc nhu cầu năng lượng sụt giảm. Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12 đã nhích thêm 8 xu lên 54,47 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn tiếp tục giảm 14 xu xuống đóng cửa ở mức 51,70 USD/thùng.

Theo nhà phân tích Phil Flynn thuộc Công ty Alaron Trading, giá dầu đang phải vật lộn để trụ vững trước sức ép tăng trưởng chậm chạp của kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Theo dự báo hàng tháng mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Toàn cầu (CGES), có trụ sở tại London, năm 2008 sẽ là lần đầu tiên trong 25 năm qua nhu cầu dầu mỏ toàn cầu bị giảm sút.

Tháng trước, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã quyết định cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, động thái này đã không ngăn chặn được đà giảm của giá dầu ngay cả khi quyết định này được chính thức áp dụng từ ngày 1/11. Theo CGES, những biến động tiếp theo trên thị trường dầu mỏ sẽ phụ thuộc vào việc OPEC cắt giảm thêm sản lượng và có đưa ra quyết định này nhanh chóng hay không.

Cuối tuần trước, Iran - nước sản xuất dầu lớn thứ 2 OPEC - đã lên tiếng đề nghị OPEC cắt giảm thêm hạn ngạch sản lượng 1-1,5 triệu thùng dầu/ngày khi tổ chức này nhóm họp vào ngày 29/11 tới tại Cairo (Ai Cập), tiếp đến là Hội nghị thượng đỉnh OPEC tại Oran (Algeria), 2 tuần sau đó. Đầu tuần này, OPEC cũng cho biết họ sẵn sàng can thiệp bằng các biện pháp thông thường để thúc đẩy thị trường./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục