Giá điện tăng 6,8%, người nghèo ít bị ảnh hưởng

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, từ 1/3 giá điện bình quân sẽ tăng 6,8% và bãi bỏ giảm giá điện cho các đơn vị sản xuất một ca.
Tại buổi họp báo công bố biểu giá điện mới do Bộ Công thương tổ chức sáng 26/2, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết, từ 1/3/2010, giá điện bình quân sẽ là 1.058 đồng/kWh, tăng 6,8% so với năm 2009 và bãi bỏ giảm giá điện cho các đơn vị sản xuất một ca.

Không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và tiêu dùng?

Theo Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, việc tăng giá điện lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và tiêu dùng. Với mức tăng khoảng 6,3%, các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỷ đồng tiền điện trong năm nay, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2010. Chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành. Như vậy, mức ảnh hưởng của tăng giá điện đến sản xuất là không lớn.

Ở khối hành chính, giá bán điện tăng khoảng 6,1% khiến tổng chi phí tiền điện tăng thêm do tăng giá điện của khối này trong năm nay khoảng 280 tỷ đồng, bằng khoảng 0,29% tiêu dùng cuối cùng của nhà nước năm 2010.

Ở khối sinh hoạt, giá điện cho 50kWh đầu tiên vẫn được giữ nguyên, không tăng; vì vậy, tất cả các hộ thuộc diện nghèo và một số lượng lớn số hộ có thu nhập thấp, cán bộ, công nhân viên, người lao động cả ở thành phố và nông thôn sẽ không chịu ảnh hưởng của việc tăng giá điện (khi dùng điện ít hơn 50kWh/tháng). Nhà nước đã tăng mức bù giá cho bậc thang này từ 37% (năm 2009) lên mức 43% trong năm nay.

Đối với các hộ sử dụng điện từ 100 kWh-400 kWh/tháng, người dân sẽ phải đóng thêm từ 7.000-36.500 đồng/tháng. Như vậy, mức chi tiền điện tăng thêm hàng tháng của các hộ gia đình do điều chỉnh giá điện là không lớn và ảnh hưởng tới sinh hoạt và đời sống người dân là không đáng kể.

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cũng cho biết, đối với các hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu v.v…, thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.

Tuy nhiên, kinh nghiệm những đợt điều chỉnh giá điện trước kia cho thấy, nhiều đơn vị kinh doanh thường lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các mặt hàng thiết yếu nhằm thu lợi nhuận. Để tránh tình trạng này, "Liên bộ Tài chính - Công thương sẽ  theo dõi sát sao và thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát để tránh việc 'tát nước theo mưa', đồng thời tạo sự đồng thuận chung và tránh sự tăng giá do yếu tố tâm lý,” Thứ trưởng Bộ Tài chính, Trần Văn Hiếu khẳng định.

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cũng cho biết, đối việc tăng giá điện tuỳ tiện ở các nhà trọ, nhà đi thuê thì người tiêu dùng có thể phát đơn kiện gửi lên các Sở Điện lực cấp tỉnh, thành phố và sẽ được ưu tiên giải quyết ngay.

Biểu giá điện năm 2010 vẫn tiếp tục áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng và bãi bỏ giảm giá điện cho các đơn vị sản xuất 1 ca, riêng những khu vực không nối lưới điện quốc gia sẽ có biểu giá riêng theo nguyên tắc đảm bảo kinh doanh, có lợi nhuận hợp lý và phải xác định rõ nguồn bù đắp chi phí.

Tính chung, tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện trong năm 2010 bằng khoảng 0,30% GDP dự kiến cho năm 2010. Do tăng giá điện, ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2010 khoảng 0,34%; trực tiếp làm tăng  chỉ số giá  tiêu dùng (CPI) khoảng 0,20-0,27%.

Trên thực tế, điện và xăng dầu là hai mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội nên mặt bằng giá chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, công tác quản lý giá và quản lý thị trường lâu nay vẫn là "gót Asin" của các ngành chức năng nên khẳng định "tăng giá điện không ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng" dù được nhiều người dân hy vọng nhưng cũng đem lại khá nhiều nghi ngại.

Chọn mức tăng cao để ngành than có lãi

Về căn cứ để lựa chọn phương án tăng giá điện là 6,8% thay vì mức 4,6% mà phía Bộ Công thương trình Chính phủ, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho biết: theo tính toán của Bộ Công thương thì giá than cho bán điện chỉ tăng 15%, nhưng khi trình lên Chính phủ, để giá than có thể có lợi nhuận sẽ phải điều chỉnh giá than cho điện là 47% (đối với than cám 4b) và 28% (đối với than cám 5) so với giá bán than cho ngành điện trong năm trước. Vì vậy phương án tăng giá điện 6,8% đã được chọn.

Bên cạnh đó, việc tăng giá điện trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng mạnh việc chẳng đặng đừng. Dù những năm gần đây, giá điện bắt đầu tăng nhưng do tỷ giá ngoại tệ cũng tăng cao làm cho chi phí sản xuất và mua điện năm 2009 tăng gần 800 tỷ đồng so với năm 2008.

“Dự kiến năm 2010, các chi phí đầu vào cho sản xuất và kinh doanh sẽ tiếp tục tăng, trong khi nhu cầu đầu tư vào nguồn lưới điện tăng rất lớn. Do vậy nếu không điều chỉnh kịp thời giá điện thì không đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các công trình điện mới,” Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào nói.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đưa ra ý kiến: Việc tăng giá điện năm 2009 là không đáng kể, so với mặt bằng giá bán điện chung thì Việt Nam có mức giá thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

“Việt Nam khi điều chỉnh thì giá điện bình quân chỉ 5,54 cent/kwh, trong khi để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành điện cần mức giá là 6,8 cent/kwh và cần có lộ trình tăng giá điện cho từng năm,” ông Tri chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Đinh Quang Tri, việc chốt chỉ số công tơ trong ngày 1/3 sẽ được áp dụng ngay cho các đơn vị tiêu thụ điện lớn. Riêng điện sinh hoạt sẽ được chốt bình thường và tính bình quân số ngày phát sinh.

Biểu giá điện sinh hoạt mới từ ngày 1/3/2010

50 kWh đầu tiên: 600 đồng/kWh

Từ 51 - 100 kWh: 1.004 đồng/kWh
Từ 101 - 150 kWh: 1.214 đồng/kWh
Từ 151 - 200 kWh: 1.594 đồng/kWh
Từ 201 - 300 kWh: 1.722 đồng/kWh
Từ 301 - 400 kWh:  1.844 đồng/kWh
Từ 401 kWh trở lên: 1.890 đồng/kWh

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục