Gia Lai: Tái hiện hội Hát cầu huê đang có nguy cơ thất truyền

Lễ hội Hát cầu huê là lễ mừng được mùa của hai dân tộc Kinh-Thượng có từ đầu thế kỷ 20, 60 năm qua hầu như không còn tồn tại và đang có nguy cơ thất truyền.
Gia Lai: Tái hiện hội Hát cầu huê đang có nguy cơ thất truyền ảnh 1Khu vực tái hiện hội Hát cầu huê của người Việt vùng An Khê. (Nguồn: TinGiaLai.com)

Ngày 26/2, tỉnh Gia Lai đã tổ chức Lễ tái hiện hội Hát cầu huê trong dịp lễ hội Tế Xuân của người Việt vùng An Khê nhằm tạo không gian cho đồng bào các dân tộc vui Xuân lành mạnh, hiểu thêm về hội Hát cầu huê đã thất truyền hơn 60 năm qua.

Dự lễ tái hiện hội Hát cầu huê có gần cả trăm người cùng tham gia, trong đó có những diễn viên của Đoàn hát bội chuyên nghiệp An Nhơn (Bình Định) và các nghệ nhân của đội cồng chiêng xã Glar (huyện Đăk Đoa).

Nội dung của lễ hội được tái hiện phần cơ bản nhất không gian lễ Tế Xuân truyền thống của người An Khê gồm hát cầu huê (bài chòi, hát bội cổ truyền, hát đối đáp giao duyên của người Kinh và người Bahnar, đánh cồng chiêng).

Những bài hát này đều thể hiện sự ca ngợi quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết hai dân tộc Kinh-Thượng, ca ngợi sự ấm no, hạnh phúc và yên bình trong cuộc sống...

Tổ chức các phiên chợ Kinh-Thượng giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa gồm những mặt hàng truyền thống như các loại sản phẩm thủ công vải, quần áo, hàng mỹ nghệ, rau củ, gà vịt, rượu cần, bánh trái các loại (bánh ít, bánh tro, bánh tráng, bánh xèo...). Hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như trèo cây lấy thưởng, đi cà kheo, múa hình tượng, bịt mắt bắt dê...

Hát cầu huê thực sự là lễ mừng được mùa của hai dân tộc Kinh-Thượng (huê lợi, huê lộc) có từ đầu thế kỷ 20, hội Hát cầu huê trong khuôn khổ lễ hội Tế Xuân - lễ hội lớn nhất trong các hoạt động lễ hội của người Việt ở vùng An Khê. Trung tâm là ấp Tân Sơn Nhất - tức thôn An Lũy và nay là tổ 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê.

Thời điểm chính của lễ hội là ngày mùng 10/2 (âm lịch) hàng năm, khi nhân dân tổ chức lễ Tế Xuân ở đình An Lũy.

Do không có không gian đình cùng những kiêng - cữ (đồ dùng) mang yếu tố tín ngưỡng nên việc tái hiện Hát cầu huê không thể phục dựng lại phần lễ mà chỉ tập trung vào phần hội.

Nguy cơ mai một của một lễ hội đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể là rất cao khi hơn 60 năm qua, lễ hội này gần như đã không còn tồn tại, đặc biệt là hoạt động của khu vực chợ Kinh-Thượng tại Gò Chợ đã mất hẳn.

Hiện nay, ở An Khê chỉ còn lại 3 cụ đã được trực tiếp chứng kiến lễ hội này và nay đều đã ở độ tuổi trên 80.

Trước nguy cơ này, thiết nghĩ các nhà khoa học cùng với địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm để bổ sung, hoàn thiện Hội hát cầu huê và có kế hoạch tổ chức vào mùa xuân hàng năm nhằm đảm bảo giá trị lịch sử nhưng cũng sinh động và phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục