Giá lương thực thế giới tăng tháng thứ ba liên tiếp

Tháng 3/2012, giá lương thực thế giới tăng tháng thứ ba liên tiếp, làm gia tăng quan ngại về nạn đói, bất ổn xã hội tại các nước nghèo.
Theo báo "Bưu điện quốc gia" ngày 5/4, trong tháng 3/2012, giá lương thực thế giới đã tăng tháng thứ ba liên tiếp, làm gia tăng quan ngại về nạn đói và làn sóng bất ổn xã hội tại các nước nghèo.

Giá lương thực tăng cao kỷ lục hồi năm ngoái là một trong những yếu tố chủ chốt châm ngòi cho các cuộc bạo động tại Trung Đông và Bắc Phi, cũng như tại các khu vực khác của thế giới.

Trong tháng trước, chỉ số giá lương thực của Cơ quan Nông Lương LHQ (FAO), thước đo mức thay đổi giá cả của rổ hàng hóa gồm ngũ cốc, dầu thực vật, sữa, thịt và đường, là 215,9 điểm, tăng so với mức 215,4 điểm hồi tháng 2/2012.

Mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm 237,7 điểm hồi tháng 2/2011, nhưng chỉ số tháng 3/2012 vẫn cao hơn chỉ số trong cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008.

Nhà kinh tế cao cấp của FAO, Abdolreza Abbassian, nhận định giá lương thực có xu hướng tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm nay, nhất là giá ngô, đậu tương và lúa mì.

Giá đậu tương giao sau của Mỹ đã tăng 7% trong tháng 3 và tăng khoảng 17% trong quý I/2012, do những quan ngại về khan hiếm nguồn cung trước tình trạng hạn hán hoành hành tại Nam Mỹ và diện tích trồng đậu tương thấp hơn tại Mỹ.

Giá lương thực cao dự kiến sẽ khiến kim ngạch nhập khẩu ngũ cốc ròng của những nước thiếu lương thực có thu nhập thấp lên mức kỷ lục 32,62 tỷ USD trong tài khóa 2011-2012, so với mức 32,28 tỷ USD của tài khóa trước.

Thực trạng này sẽ đưa các nước nghèo đối mặt với bất ổn, nếu họ không đủ tiền để nhập khẩu lương thực.

Việc giá dầu thế giới cao đã đào sâu mối lo ngại về đà tăng của tỷ lệ lạm phát từ đầu năm nay.

Giá tiêu dùng tại 17 quốc gia khu vực đồng euro đã tăng 2,6% trong tháng 3/2012, bất chấp kinh tế suy giảm.

Nick Higgins, nhà phân tích hàng hóa thuộc Rabobank International nói: "Giá lương thực có liên quan chặt chẽ tới giá dầu.

Nếu giá dầu tăng, giá lương thực chắc chắn cũng tăng lên, do giá năng lượng ảnh hưởng đến việc sản xuất phân bón, phân phối lương thực và việc sử dụng cơ giới hóa trong canh tác".

FAO đã hạ dự đoán về sản lượng lương thực toàn cầu năm 2012 xuống 2,343 tỷ tấn, trong đó sản lượng lúa mì giảm xuống còn 690 triệu tấn, trong bối cảnh dự trữ ngũ cốc và diện tích trồng đậu tương, lúa mì của Mỹ đều giảm.

Dự trữ ngũ cốc tại Liên minh châu Âu dự kiến cũng sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm.

Song một số chuyên gia cho rằng giá lương thực thế giới có thể giảm trong 6 tháng cuối năm nay, nhờ sản lượng vụ mùa mới làm giảm căng thẳng trên thị trường và khiến giá trung bình cả năm 2012 thấp hơn mức kỷ lục của năm 2011./.

Thanh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục