Gia nhập WTO đem lại những kết quả kỳ vọng

Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Đinh Văn Ân nhận định về cơ bản, hội nhập và gia nhập WTO đã đem lại những kết quả như kỳ vọng như gia tăng niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam, xuất khẩu, hiệu quả phân bổ nguồn lực và tăng trưởng kinh tế.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Đinh Văn Ân nhận định về cơ bản, hội nhập và gia nhập WTO đã đem lại những kết quả như kỳ vọng như gia tăng niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam, xuất khẩu, hiệu quả phân bổ nguồn lực và tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo "Đánh giá tác động đối với Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO", do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, tổ chức ngày 23/4, tại Hà Nội, ông Ân đánh giá tăng trưởng xuất khẩu năm 2007 chưa thể hiện mức độ bứt phá so với các năm trước và như kỳ vọng sau khi Việt Nam gia nhập WTO; kết quả xuất khẩu năm 2008 chủ yếu nhờ giá trên thị trường thế giới tăng cao trong hơn nửa đầu năm 2008.

Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD tăng 21,9% so với năm 2006; năm 2008, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 62,9 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007.

Việc gia nhập WTO chưa để lại dấu ấn đáng kể đối với tạo việc làm trong năm 2007 và 2008. Số lao động có việc làm tăng tương ứng 2,3% và 2,0% so với năm trước, trong khi đó con số này của năm 2006 là 2,7%; sự phân hoá xã hội về thu nhập tăng.

Ông Ân cho rằng, sau 2 năm có thể rút ra nhiều bài học quan trọng như sự kết hợp thực thi cam kết hội nhập và tận dụng hội nhập, việc gia nhập WTO để thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nhân tố quan trọng nhất tạo niềm tin vào tiềm năng phát triển và tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam, góp phần phát huy nội lực và thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường nước ngoài kết hợp với khai thác tốt hơn thị trường trong nước.

Ngài Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam cho rằng khi gia nhập WTO, Việt Nam đã có một khung pháp lý mới, minh bạch, có thể dự đoán được, giúp tăng sự tự tin của những nhà sản xuất Việt Nam để cạnh tranh trên trường quốc tế. Trong bối cảnh bất lợi của tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam luôn kiên quyết và công khai phản đối chủ nghĩa bảo hộ và đã học hỏi việc áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại trong các vụ giải quyết tranh chấp để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước.

Tại hội nghị, nhiều tham luận đã tập trung đánh giá tác động của gia nhập WTO đến tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô tài chính và các giải pháp; tác động của gia nhập WTO đến thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật, lao động, việc làm và thu nhập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục