Giá rau, củ ở Đà Lạt tăng cao gấp 2 lần so với tháng trước

Nguyên nhân của giá rau, củ ở Đà Lạt tăng cao là do dịch bệnh và mưa lớn khiến một diện tích lớn trồng rau ngoài trời bị hư hỏng, đẩy giá rau lên.
Giá rau, củ ở Đà Lạt tăng cao gấp 2 lần so với tháng trước ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện chuyên canh rau như Đơn Dương, Lạc Dương ... của tỉnh Lâm Đồng có mưa lớn, kết hợp sâu bệnh đã khiến một số diện tích trồng rau ngoài trời bị hư hại, giá rau tại các nhà vườn tăng cao gấp hai lần.

Tại một số điểm trồng rau tại phường 7 và 8, thành phố Đà Lạt giá một số mặt hàng rau xanh đã tăng gần gấp đôi so với tháng trước.

Ông Lê Văn Minh, một hộ trồng rau ở khu vực Đất Mới, phường 7, thành phố Đà Lạt cho biết, giá rau tại Đà Lạt tăng cao do nguồn cung thấp, trong khi nhu cầu của các thương lái tăng cao.

Nguyên nhân của giá rau, củ tăng cao là do dịch bệnh và mưa lớn khiến một diện tích lớn trồng rau ngoài trời bị hư hỏng, đẩy giá rau lên.

Theo nhiều nông dân Đà Lạt, một số loại rau ăn lá như bắp cải, cải thảo được các thương lái đến đặt hàng trước cả tháng với giá khá cao.

Rau xà lách cô rôn, xà lách xoong có giá từ 25.000-40.000 đồng/kg tăng từ 10.000 đến 12.000 đồng so với tháng trước, súp lơ xanh có giá 25.000 đồng/bông tăng 10.000 đồng, bó xôi có giá 25.000-30.000 đồng/bó.

[Hà Nội: Nắng nóng cao điểm khiến giá rau quả tăng mạnh]

Tuy giá rau các loại tăng cao nhưng do bị hư hại và sâu bệnh khiến sản lượng ngoài trời giảm và người nông dân cũng không còn rau để cung cấp cho các thương lái.

Trong khi đó, mưa lớn khiến nhiều diện tích trồng rau ngoài trời bị hư hỏng nặng và giá tăng cao, thì các loại rau ăn lá trong nhà kính đã được ký hợp đồng trước thì vẫn có giá trung bình từ 30.000-35.000 đồng/kg.

Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 65.000ha rau các loại, sản lượng gần 2,300 triệu tấn/năm.

Diện tích này được phân bố chủ yếu tại thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương… gồm hàng chục loại rau, củ khác nhau.

Rau Đà Lạt được tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây và khoảng 10% cho thị trường phía Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục