Gia tăng lo ngại về tên lửa có quỹ đạo 'bất thường' của Triều Tiên

Các vụ thử tên lửa tầm ngắn gần đây của Bình Nhưỡng đã phát đi tín hiệu báo động tại quốc gia láng giềng Nhật Bản, cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã coi các vụ phóng thử này là không quan trọng.
Gia tăng lo ngại về tên lửa có quỹ đạo 'bất thường' của Triều Tiên ảnh 1Vụ thử vũ khí do Triều Tiên tiến hành tại một địa điểm bí mật ngày 31/7/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Reuters/AP đưa tin Bình Nhưỡng dường như đang phát triển các đầu đạn có thể xuyên thủng một lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 27/8 cho biết, đồng thời nhấn mạnh quỹ đạo bất thường của các tên lửa mới nhất mà Triều Tiên vừa phóng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya tuyên bố Nhật Bản cho rằng hai quả tên lửa mà Triều Tiên phóng thử hồi tuần trước là một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới.

Một phát ngôn viên của Bộ này đã xác nhận ý kiến của Bộ trưởng Iwaya do các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin.

[Triều Tiên thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa đa nòng siêu lớn mới]

Các vụ thử tên lửa tầm ngắn gần đây của Bình Nhưỡng đã phát đi tín hiệu báo động tại quốc gia láng giềng Nhật Bản, cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã coi các vụ phóng thử này là không quan trọng.

Hôm 27/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thảo luận kín về các hành động của Triều Tiên theo yêu cầu của Đức, Pháp và Anh.

Ba quốc gia này đã lên án "các vụ phóng tên lửa mang tính khiêu khích được lặp đi lặp lại" của Bình Nhưỡng là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

"Các lệnh trừng phạt quốc tế phải được duy trì và phải được thực thi một cách đầy đủ và nghiêm ngặt cho đến khi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được tháo dỡ. Điều quan trọng là Hội đồng Bảo an thể hiện sự thống nhất trong việc duy trì các nghị quyết của mình," Đức, Anh và Pháp nói trong một tuyên bố chung sau cuộc họp.

Tuyên bố đề cập tới đợt thử tên lửa lần thứ 7 của Triều Tiên kể từ cuối tháng Bảy vừa qua, kêu gọi Triều Tiên "tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa với Mỹ" như đã nhất trí trong cuộc gặp hôm 30/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên.

Tuyên bố nêu rõ "Những nỗ lực nghiêm túc của Triều Tiên trở lại giải pháp ngoại giao và đạt được tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa là cách duy nhất để đảm bảo an ninh và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực."

Nhiều nhà ngoại giao và giới phân tích cho rằng việc tăng cường các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa của Liên hợp quốc, vốn làm xuất nhập khẩu của Triều Tiên giảm mạnh, đã giúp thúc đẩy sự tan băng trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, và dẫn đến việc tổ chức được hai hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.

Vụ thử tên lửa hôm 24/8 diễn ra một ngày sau khi Seoul thông báo họ đã chấm dứt hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Tokyo, giữa lúc căng thẳng giữa hai nước ngày càng tồi tệ hơn liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức trong thời chiến.

Bộ trưởng Iwaya và các quan chức Nhật Bản khác đã gọi quyết định của Seoul là "bất hợp lý" trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên đang gia tăng.

Nhật Bản và Mỹ đã triển khai tàu khu trục Aegis ở biển Nhật Bản. Các tàu này được trang bị tên lửa đánh chặn được thiết kế để phá hủy các đầu đạn trong không gian.

Nhật Bản cũng có kế hoạch lắp đặt hai hệ thống Aegis trên đất liền để tăng cường lá chắn tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, những hệ thống phòng thủ này được thiết kế để chống đạn đạo hay vật thể được phóng đi bằng tên lửa có đường bay bình thường và do đó, các tên lửa có đường đạn được dự báo là bất thường sẽ khiến cho việc đánh chặn khó khăn hơn.

Một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 27/8 cho biết các phân tích chi tiết về những vụ phóng mới nhất của Triều Tiên đang được phối hợp thực hiện với Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục