Gia tăng mối lo giảm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro

Nguy cơ giảm phát vẫn hiện hữu tại các nước ngoại vi của Eurozone với các số liệu thống kê về giá tiêu dùng năm 2013 tại Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Latvia.

Nguy cơ giảm phát vẫn hiện hữu tại các nước ngoại vi của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sau khi các số liệu thống kê vừa công bố cho thấy giá tiêu dùng trong năm 2013 tăng trung bình 0,3% tại Bồ Đào Nha, giảm 0,9% tại Hy Lạp và dậm chân ở mức 0% so với năm 2012 tại Latvia - nước chính thức trở thành thành viên thứ 18 của Eurozone từ ngày 1/1/2014.

Tại Trung và Đông Âu, giảm phát mạnh cũng là xu hướng chung trong cả năm 2013.

Cơ quan thống kê INE (Bồ Đào Nha) cho hay lạm phát giá tiêu dùng ở nước này trong tháng 12/2013 tăng ở mức hàng năm là 0,2%, trái ngược với mức giảm 0,2% trong tháng 11/2013.

Xu hướng giảm phát diễn ra tại nước này trong năm 2013, chủ yếu do giá năng lượng giảm 0,7%. Trong khi đó, theo EL.STAT, tại Hy Lạp, tỷ lệ lạm phát ở mức -1,7% trong tháng 12/2013, sau khi đã rớt xuống mức -2,9% trong tháng 11/2013.

Tại Latvia, giá tiêu dùng ở mức hàng năm trong cùng thời gian này giảm 0,4%.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi, tuần trước bác bỏ việc 18 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu đối mặt với nguy cơ giảm phát ngay cả khi lạm phát trong khu vực này được dự báo vẫn ở dưới mức mục tiêu của ECB là xấp xỉ 2% trong hai năm tới.

Đầu tuần này, ông Draghi đưa ra nhận định rằng tỷ lệ lạm phát tính ở mức hàng năm sẽ vẫn quanh mức hiện nay trong những tháng tới đây.

Ông nhấn mạnh tỷ lệ lạm phát ở mức rất thấp hay âm tại một số nước thành viên Eurozone phản ánh quá trình điều chỉnh và tái cân bằng cần thiết trong khu vực.

Theo thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) hồi đầu tháng này, lạm phát tại Eurozone trong tháng 12/2013 giảm xuống 0,8% so với 0,9% trong tháng 11/2013, trong khi lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá) giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,7%.

Giới phân tích lo ngại rằng tình trạng giảm phát có thể khiến người tiêu dùng trì hoãn quyết định mua hàng để chờ giá hạ thấp hơn. Điều này dần dà sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế, bởi các công ty sẽ giảm lượng hàng sản xuất ra ở mức tương ứng và cắt giảm việc làm.

Đối với các nước Eurozone, bất kỳ sự tăng trưởng chậm lại nào hay sự sụt giảm về doanh thu thuế cũng sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giải quyết các khoản nợ chồng chất./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục