Giá thực phẩm sau bão: Lùi một bước để tiến ba bước

Kể từ khi bão số 6 kết thúc, giá thực phẩm hầu hết vẫn ở mức cao, có lúc đã hạ nhiệt nhưng chỉ là “lùi một bước mà tiến ba bước.”
Trong suốt một tháng mùa mưa bão vừa qua, giá thực phẩm trên thị trường Hà Nội bấp bênh lúc lên lúc xuống. Thế nhưng kể từ khi bão số 6 kết thúc, giá thực phẩm hầu hết vẫn giữ ở mức cao, có lúc đã hạ nhiệt nhưng chỉ là “lùi một bước mà tiến ba bước.”

Giá leo thang

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội (Nghĩa Tân, Dịch Vọng, Bưởi, Đồng Xa…) ngày 15/8, cho thấy, giá các loại  rau củ đã tăng mạnh từ 3.000-4.000 đồng/mớ hoặc 10.000-15.000 đồng/kg, có loại tăng gấp đôi những ngày trước.

Cụ thể, trước đây rau muống chỉ 4.000-5.000 đồng/mớ nay tăng lên 8.000 đồng/mớ; cà chua từ 15.000 lên 20.000 đồng/kg, rau mồng tơi, rau ngót từ 3.000 đồng lên 7.000 đồng/mớ, rau dền từ 2.000 đồng lên 6.000 đồng/mớ; bí xanh tăng từ 10.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg; quả đỗ tăng từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg…

Các loại rau tăng giá nhiều nhất là hành lá, tăng từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; cải xanh tăng từ 25.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg; rau cải ngọt tăng từ 25.000 đồng/kg lên 35.000-40.000 đồng/kg; cải chip từ 20.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg…

Không chỉ rau củ tăng giá mà các loại thực phẩm khác cũng ồ ạt tăng theo. Thịt bò tăng từ 15.000-20.000 đồng/kg. Thịt bò (mông, diềm, bắp, thăn…) dao động từ 200.000-270.000 đồng/kg. Cá tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg, cá trắm loại 2-3kg lên giá thành 75.000 đồng/kg, cá rô phi loại to giá từ 45.000-50.000 đồng/kg, cá trôi giá 50.000 đồng/kg, cá chép giá 70.000 đồng/kg…

Thịt lợn tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Trong đó, thịt ba chỉ giá 90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt nạc mông, thăn, vai, sườn thăn giá 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt lợn sấn giá 80.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; xương cục giá 60.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; xương ống giá 35.000 đồng/kg; tăng 5.000 đồng/kg…

Dân khốn đốn

Chị Phạm Thị Dung, 28 tuổi, tiểu thương chợ Nghĩa Tân vốn gốc gia đình là nhà nông trồng rau ở Mê Linh, cho biết: “Sau đợt mưa bão, rau ngập úng gần một tuần liền, nắng lên là rau bị lũng nước hỏng hết cả, nhà không còn rau mà bán, em phải đi nhập thêm rau của lái buôn. Giá nhập cao lắm bán, lãi chẳng bù được mấy chục héc ta rau bị mất.”

Chị Dung cũng cho biết, chẳng riêng gia đình nhà chị mà các hộ trồng rau tại huyện Mê Linh hầu như mất trắng sau đợt bão, nước ngập vào ruộng cao cả mét. “Xót rau cũng chẳng biết phải làm sao, may sao chỉ còn sót lại ruộng bí đao, và ruộng cà chua là còn cứu được,” chị Dung chia sẻ.

Nghe thắc mắc của phóng viên về lý do giá thịt lợn lên nhiều, chị Hường, tiểu thương chợ Đồng Xa phân trần: “Giá nhập lợn hơi tăng đến 7.000 đồng/kg, trong đó, em đã phải nhập lợn hơi từ 58.000-60.000 đồng/kg, móc hàm là 63.000 đồng/kg rồi chị ạ.”

Người bán thì nói vậy, nông dân thì nhăn nhó vì bị thương lái ép giá không cho tăng. Chị Nguyễn Thị Hoan, 27 tuổi, một hộ nông dân ở Tân Yên, Bắc Giang, bức xúc: “Mặt hàng thịt lợn bán lẻ ở Bắc Giang chỉ dao động từ 70.000-75.000 đồng/kg là đã lên giá sau bão, riêng lợn hơi ở các hộ chăn nuôi vẫn ở mức 40.000 đồng/kg, lợn móc hàm giá 53.000 đồng/kg, lợn mán mua hơi là 95.000 đồng/kg, các thương lái chưa cho tăng được một đồng nào từ đầu năm đến nay.”

Trước những câu hỏi tại sao lại có sự chênh lệch giá này, các tiểu thương chỉ đổ cho các loại phí tăng như xăng tăng, điện tăng, các khâu trung gian, vận chuyển…. để thực phẩm đến được tay người tiêu dùng. Như vậy, theo thực tế trên, giá bán từ khâu sản xuất đến bán lẻ cuối cùng chênh nhau từ 70%- 100%, vì những phát sinh kể trên.

Cô Đỗ Thị Lan, 52 tuổi, một khách hàng ở Cầu Giấy, than thở: “Nếu trước đây đi chợ tốn một thì giờ tốn gấp hai. Mọi chi phí ăn ở, sinh hoạt cứ tăng đều, tăng đồng loạt thế này mà không có giải pháp gì thì người dân chúng tôi cũng chỉ biết gồng mình lên mà sống thôi.”/.

Quỳnh Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục