Giá tiêu dùng tăng gây khó khăn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp

Lạm phát gia tăng đang dẫn đến việc giá thực phẩm, khí đốt và các sản phẩm khác đồng loạt leo thang, đẩy nhiều người phải lựa chọn giữa việc chi nhiều tiền hơn hoặc “thắt lưng buộc bụng.”
Giá tiêu dùng tăng gây khó khăn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Từ các cửa hàng thiết bị ở Mỹ đến các chợ thực phẩm ở Hungary  hay các trạm xăng ở Ba Lan, giá tiêu dùng tăng do chi phí năng lượng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng đang gây khó khăn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Lạm phát gia tăng đang dẫn đến việc giá thực phẩm, khí đốt và các sản phẩm khác đồng loạt leo thang, đẩy nhiều người phải lựa chọn giữa việc chi nhiều tiền hơn hoặc “thắt lưng buộc bụng.” Ở các nền kinh tế đang phát triển, tình hình này trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Gabor Pardi, một người mua sắm tại một chợ thực phẩm ngoài trời ở thủ đô Budapest của Hungary, cho biết: “Chúng tôi có xu hướng chi tiêu ít hơn. Chúng tôi cố gắng mua sắm những mặt hàng rẻ nhất.”

Gần hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng vẫn còn được cảm nhận ngay cả sau khi các quốc gia đang chạy đua để thoát khỏi tình trạng phong tỏa xã hội và suy thoái, trong khi nhu cầu tiêu dùng cũng đã tăng trở lại.

Giờ đây, một đợt lây nhiễm mới của dịch COVID-19 với biến thể Omicron đang khiến các quốc gia kiểm soát biên giới chặt hơn và tái áp đặt các hạn chế khác, đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Biến thể Omicron đã làm dấy lên những lo ngại mới rằng các nhà máy, bến cảng và kho bãi hàng hóa có thể buộc phải đóng cửa tạm thời, gây căng thẳng hơn cho thương mại toàn cầu và khiến giá cả tăng cao hơn.

Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu và tư vấn kinh tế High Frequency Economics, có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Một đợt lây nhiễm mới có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng của chuỗi cung ứng, làm tăng áp lực lên lạm phát.”

Các chấn động kinh tế đang ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến khu vực Trung và Đông Âu, nơi các quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia và người dân đang gặp nhiều khó khăn khi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt.

Một người bán thịt tại chợ thực phẩm Budapest, Ildiko Vardos Serfozo, cho hay đã nhận thấy sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh khi khách hàng hiện hay lựa chọn đến các chuỗi siêu thị đa quốc gia quy mô lớn để có thể mua được hàng giảm giá bằng cách mua với số lượng lớn.

[Mỹ: Chỉ số giá tiêu dùng chạm mức cao nhất trong vòng 30 năm]

Sự gia tăng lạm phát gần đây đã khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà kinh tế trên thế giới phải ngạc nhiên. Vào mùa Xuân năm 2020, virus SARS-CoV-2 xuất hiện đã phá hủy nền kinh tế toàn cầu khi các chính phủ ra lệnh đóng cửa biên giới, các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm giờ làm việc và người lao động phải ở trong nhà. Một số doanh nghiệp đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất là bị hủy đơn đặt hàng và tạm dừng đầu tư.

Trong nỗ lực ngăn chặn thảm họa kinh tế, các quốc gia giàu có-đặc biệt là Mỹ-đã tung ra các gói viện trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD của Chính phủ, một cuộc vận động kinh tế trên quy mô chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Các ngân hàng trung ương cũng giảm lãi suất trong nỗ lực phục hồi hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm vực dậy các nền kinh tế đã gây ra những hậu quả không lường trước được. Khi người tiêu dùng cảm thấy có động lực hơn để chi tiêu khoản tiền họ nhận được thông qua trợ cấp của Chính phủ hoặc được vay với lãi suất thấp, cùng với đó là việc triển khai các chương trình tiêm chủng đã khuyến khích mọi người quay trở lại nhà hàng, quán bar và các cửa hàng, thì sự gia tăng nhu cầu đã vượt qua khả năng cung cấp hàng hóa của các nhà sản xuất. Các cảng vận tải và kho bãi hàng hóa đột ngột bị tắc nghẽn vì các chuyến hàng và giá bắt đầu tăng do chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên căng thẳng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán giá tiêu dùng thế giới sẽ tăng 4,3% trong năm nay, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Tỷ lệ này thể hiện rõ rệt nhất ở các nền kinh tế đang phát triển ở Trung và Đông Âu, với tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất được ghi nhận ở Lithuania với 8,2%, Estonia với 6,8% và Hungary với 6,6%.

Giá tiêu dùng tăng gây khó khăn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ảnh 2Nguyên nhân của việc lạm phát tăng cao là do giá năng lượng tăng và nhu cầu tiêu dùng nhảy vọt trong giai đoạn hậu phong tỏa do dich COVID-19.

Tại Ba Lan, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Âu, lạm phát đã ở mức 6,4% vào tháng 10/2021, mức cao nhất trong hai thập kỷ. Một số người mua sắm tại thủ đô Warsaw của Ba Lan cho biết họ đang lo lắng về việc tăng giá các mặt hàng chủ lực như bánh mì và dự kiến tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm mới, khi giá năng lượng tăng mạnh.

Thêm vào đó, sự suy yếu của các đồng tiền ở Trung và Đông Âu so với đồng USD và đồng euro đang đẩy giá nhập khẩu và nhiên liệu lên cao hơn và làm trầm trọng thêm sự eo hẹp của nguồn cung dự phòng và các yếu tố khác.

Đồng forint của Hungary đã mất khoảng 16% giá trị so với đồng USD trong sáu tháng qua và trượt xuống mức thấp lịch sử so với đồng euro vào tuần trước. Zsolt Balassi, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Hold Asset Management ở Budapest, cho biết đó là một phần trong chiến lược của Ngân hàng Trung ương Hungary nhằm duy trì sức cạnh tranh cho nền kinh tế trong nước và thu hút các công ty nước ngoài mong muốn hạ chi phí nhân công.

Tuy nhiên, giá hàng hóa nhập khẩu đã tăng vọt và giá dầu toàn cầu vốn được định giá theo đồng USD đã đẩy chi phí nhiên liệu lên mức kỷ lục.

Ngân hàng Trung ương của Ba Lan, cũng đang đối mặt với việc đồng nội tệ suy yếu. Ngân hàng này đã phải đối mặt với các ý kiến "kêu ca" cho rằng đã để lạm phát tăng quá cao trong thời gian quá dài để khuyến khích tăng trưởng kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục