Giá trị đích thực

Oscar 2012: Tôn vinh giá trị điện ảnh đích thực

Chiến thắng của The Artist ở Oscar là sự tôn vinh cho những giá trị điện ảnh đích thực giữa một Hollywood đang bị thương mại hóa.
Lễ trao giải Oscar 84 tại “Trung tâm Hollywood & Highland” (tức nhà hát Kodak cũ) đã diễn ra một cách ấm áp và có chút gì đó hoài cổ. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên khi hầu hết những bộ phim tranh giải phim xuất sắc nhất năm nay đều là những bộ phim “hoài cổ,” và hai bộ phim bội thu giải thưởng nhất cũng là những tác phẩm tri ân lịch sử môn nghệ thuật thứ bảy. Trong khi “The Artist,” một tác phẩm đen trắng đem lại những hoài niệm về kỉ nguyên phim câm thì “Hugo” lại là một bộ phim 3D tân kỳ nhằm tôn vinh một trong những cha đẻ của ngành “chiếu bóng.” Cùng ra về với 5 giải Oscar, song chắc chắn những đoàn làm phim đến từ nước Pháp mới là những người hạnh phúc hơn cả ngay giữa kinh đô Hollywood, khi “The Artist” đại thắng ở những hạng mục quan trọng nhất như Đạo diễn, Nam diễn viên chính và đặc biệt là Phim xuất sắc nhất. Trong khi đó, dù dẫn đầu danh sách với 11 đề cử, hơn 1 so với đối thủ, song “Hugo” của đạo diễn kì cựu Martin Scosese đành phải tạm hài lòng với những giải phụ như Quay phim, Hòa âm, Biên tập âm thanh, Chỉ đạo Nghệ thuật và Hiệu ứng hình ảnh. Lễ trao giải được bắt đầu với phần trình bày sơ lược về sự phát triển của lịch sử điện ảnh do nam diễn viên kỳ cựu Morgan Freeman thực hiện, trong một không khí trang nghiêm. Xen kẽ giữa các tiết mục trao giải năm nay là những clip ngắn giới thiệu về những bộ phim, cũng như sự góp mặt của gánh xiếc nổi tiếng Cirque du Soleil nhằm tái hiện lại nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển, thông qua sự dẫn dắt của chủ trò Billy Crystal, người từng tám lần dẫn chương trình Oscar trước đó, trái ngược với màn gây sốc của Sacha Baron Cohen trên thảm đỏ. Nam diễn viên người Anh vốn nổi tiếng với những trò quậy phá đã xuất hiện trong bộ rạng râu ria như trùm khủng bố, mặc quân phục như nhân vật độc tài trong bộ phim sắp tới của diễn viên này là “The Dictator,” cùng những trò lố buộc lực lượng an ninh phải mời khỏi nhà hát (nhưng lát sau vẫn hiên ngang dự lễ trao giải). [Danh hài Anh gây sốc trên thảm đỏ Oscar] Là một thành viên đoàn làm phim “Hugo”, hẳn Sacha Baron Cohen đã cảm thấy rất tự hào khi những giải thưởng đầu tiên được công bố ở các hạng mục Quay phim và Hình ảnh đều được trao cho bộ phim này. Tuy nhiên, các hạng mục chính thì phần lớn được công bố vào cuối buổi lễ, và khi đó “Hugo” đã lần lượt chứng kiến các đối thủ bước lên bục vinh quang. Ở hạng mục diễn xuất đầu tiên, nữ diễn viên da màu Octavia Spencer đã được vinh danh với giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn của cô trong “The Help” , trong đó cô thủ vai Minnie Jackson, người giúp việc cho một gia đình người da trắng ở Missisippi vào thập niên 60. Đây là điều không mấy bất ngờ khi trước đó ở những giải như BAFTA, Quả cầu Vàng... Spencer đều đã là người dành chiến thắng. Trong khi đó, lịch sử Oscar đã sang trang mới khi Christopher Plummer đứng lên bục nhận giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho phim “Beginners” ở tuổi 82, biến ông thành người già nhất từng giành giải Oscar, vượt qua kỉ lục cũ là 80 tuổi của Jessica Tandy. Vai diễn nổi tiếng nhất của Plummer là đại úy Von Trapp trong bộ phim ca nhạc kinh điển "The Sound of Music” (1965). Khi lên bục nhận giải, nam diễn viên này đã cho thấy óc hài hước của mình khi âm yếm giải thưởng Oscar và nói  “Em chỉ hơn tôi có 2 tuổi (lễ trao giải Oscar này là buổi lễ thứ 84), vậy mà sao đến giờ tôi mới được gặp em?” Ông còn khiến cả khán phòng cười ồ lên thích thú khi ngợi ca người vợ ông là “một người quá giỏi chịu đựng và xứng đáng với Nobel Hòa bình”. Nếu như bài diễn văn của Plummer là khoảnh khắc hài hước nhất thì Meryl Streep lại có bài diễn văn chiến thắng cảm động nhất. Glenn Close (phim Albert Nobbs) Viola Davis (The Help), Rooney Mara (The Girl with the Dragon Tattoo) Michelle Williams (My Week with Marilyn) đều là những nữ diễn viên có màn trình diễn xuất sắc và xứng đáng với đề cử Oscar trong hạng mục Nữ diễn viên chính. Tuy nhiên tất cả đều phải chịu thua “huyền thoại sống” Streep với vai diễn cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong “The Iron Lady.” Đây là đề cử Oscar thứ 17 và là tượng vàng Oscar thứ 3 trong sự nghiệp huy hoàng của bà. Khi lên bục nhận giải, Meryl Streep hài hước nói: “Khi Colin Firth đọc tên tôi, tôi có cảm giác rằng một nửa nước Mỹ đã gào thét: “Ôi không, lại là bà ấy à!” Ngay sau đó, bà phải kìm nén hết sức để không bật khóc vì xúc động, đồng thời cảm ơn chồng bà và những người bạn, mới và cũ, cả còn sống lẫn quá cố, vì đã đem lại cho bà sự nghiệp hiện nay. Nếu như chỉ vài tháng trước, không nhiều người ở ngoài nước Pháp biết tới Jean Dujardin. Còn tài tử có vẻ ngoài hào hoa trong “The Artist” này không tưởng tượng rằng sẽ có ngày anh được sánh vai với những ngôi sao hạng A của Hollywood, thì giờ đây mọi chuyện đã thay đổi. Đứng trên bục nhận giải từ tay ngôi sao nữ trong bộ đầm đỏ quyến rũ Natalie Portman, dưới những tràng vỗ tay không ngớt từ phía khán giả trong đó có cả những đối thủ tranh giải Oscar đồng thời là những người bạn mới Brad Pitt và George Clooney, Dujardin đã vỡ òa trong cảm xúc và hét lên: “Tôi yêu đất nước của các bạn.” Diễn xuất tài ba của Dujardin khi chỉ nói đúng hai từ trong bộ phim câm trên hứa hẹn là tấm giấy thông hành cho nhiều dự án phim lớn trong tương lai. Cùng chung tâm trạng với Dujardin hẳn là những thành viên còn lại của đoàn làm phim “The Artist.” Trước đó, bộ phim đã nhận giải cho Phục trang, Nhạc nền và đặc biệt là Đạo diễn xuất sắc nhất cho nhà làm phim người Pháp Michel Hazanavicius. Ông đã vượt qua bốn nhà làm phim Hoa Kỳ, trong đó có hai đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese và Woody Allen để giành được vinh dự này. Đây thực sự là một năm đại thành công với Michel khi trước đó ông đã chiến thắng ở các lễ trao giải BAFTA, Cesar... và điều đó khiến ông “cảm thấy mình là đạo diễn hạnh phúc nhất thế giới đêm nay” và không quên cảm ơn những người khác, trong đó có cả chú chó Uggie, “ngôi sao bốn chân” của “The Artist.” Ngay sau đó, cả đoàn làm phim đã lại một lần nữa bước lên sân khấu, và để nhận giải thưởng quan trọng nhất của Oscar: Phim xuất sắc nhất. Sau hơn 70 giải thưởng lớn nhỏ, “The Artist,” một tác phẩm của Pháp đã được tôn vinh tại giải thưởng Oscar của Mỹ, vinh quang cao nhất của làng điện ảnh.
Oscar 2012: Tôn vinh giá trị điện ảnh đích thực ảnh 1
Điều này chứng tỏ thứ ngôn ngữ không biên giới của điện ảnh và cho thấy những gì tinh túy nhất của môn nghệ thuật thứ bảy này đang nằm ở châu Âu, sau thành công của “The King’s Speech” (Anh) năm ngoái, khi mà kinh đô điện ảnh Hollywood ngày càng ngập tràn những bộ phim đầy tính thương mại, quá nặng về phần kỹ xảo. Những nhà sản xuất “The Artist” cho biết mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được cộng tác cùng những thành viên đoàn làm phim đang đứng bên cạnh họ trên bục, trong đó có cả chú khuyển Uggie được nam diễn viên Jean Dujardin dẫn lên. Điện ảnh Mỹ còn vinh danh một tác phẩm nước ngoài khác là “A Seperation” của Iran với giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, một kết quả nằm trong dự đoán bởi sự quan tâm và những lời khen từ khán giả cùng giới phê bình dành cho bộ phim này lớn hơn hẳn những bộ phim còn lại. “Rango” của đạo diễn Gore Verbinski dành giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất trong khi ca khúc chính trong phim “The Muppets” mang tên “Man or Muppet” đã đem về cho Bret McKenzie tượng vàng Ca khúc xuất sắc nhất trong phim. Tuy nhiên, lễ trao giải năm nay không có phần trình diễn ca khúc như thường lệ mà được thay thế bởi tiết mục xiếc của nhóm Cirque du Soleil, cũng đề cập tới lịch sử điện ảnh. Một số bộ phim được đánh giá cao đành hài lòng ra về với chỉ 1 giải Oscar như Kịch bản chuyển thể xuất sắc (The Descendants) và Kịch bản gốc xuất sắc nhất (Midnight in Paris). Lễ trao giải Oscar năm nay được dẫn dắt bởi Billy Crystal với những nhận xét trái chiều về ông. Nhiều người cho rằng danh hài này đã xuống phong độ, song cũng đồng tình rằng Billy vẫn “ăn đứt” cặp MC vô duyên James France và Anne Hathaway năm ngoái. Một trong những khoảng khắc đáng nhớ khác của đêm là khi cả khán phòng lặng im khi những màn hình lớn chiếu hình ảnh những tài năng điện ảnh đã qua đời trong năm trước đó, từ Ben Gazzara, huyền thoại điện ảnh Elizabeth Taylor, Bert Schneider cho tới nữ diva Whitney Houston..., khép lại một buổi lễ hoành tráng nhưng cũng đầy lắng đọng./. Xem kết quả chi tiết của giải Oscar lần thứ 84 tại đây.
Thịnh Joey (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục