Giá trị tài sản của các gia đình người Mỹ sụt giảm

Theo FED, tài sản của các gia đình giảm và các công ty lại tăng dự trữ tiền mặt đang là chiều hướng làm chậm đà phục hồi nền kinh tế Mỹ.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, giá trị tài sản của các gia đình người Mỹ - gồm nhà đất, cổ phiếu và tiết kiệm - ở thời điểm quý 2/2011 lần đầu tiên trong vòng một năm qua đã bị sụt giảm trong khi các tập đoàn và công ty lại tăng quỹ dự trữ tiền mặt.

Đây là chiều hướng có thể làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế vốn đang khó khăn của Mỹ bởi lẽ cả người tiêu dùng lẫn các công ty đều giảm chi tiêu.

Tổng giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ, từ tháng 4 đến tháng 6/2011, giảm 0,3%, xuống còn 58.500 tỷ USD. Tổng giá trị cổ phiếu của người Mỹ cùng thời gian này giảm 0,5%, xuống còn 8.900 tỷ USD. Giá trị nhà đất giảm 0,4%, chỉ còn dưới 16.200 tỷ USD.

Đến cuối tháng 6/2011, tổng số tiền mặt các tập đoàn và công ty Mỹ tích trữ trong quỹ của họ lên tới mức kỷ lục 2.000 tỷ USD, tăng 4,5% so với quý trước.

Ông Greg McBride, chuyên gia phân tích tài chính cao cấp thuộc Bankrate.com cho biết chiều hướng giảm giá trị tài sản của người Mỹ vẫn tiếp tục vì trong tháng Bảy và tháng Tám, cổ phiếu của Mỹ cũng liên tục mất giá, trong đó chỉ số Standard & Poor 500 giảm tới 11% kể từ mức giá đỉnh cao hồi tháng 4.

Cổ phiếu chiếm tới 15% giá trị tài sản của người Mỹ. Có 8% cổ phiếu của Mỹ nằm trong tay 10% số người giàu có nhất nước Mỹ. Mức chi tiêu của 20% người giàu nhất nước Mỹ chiếm tới 40% tổng mức chi tiêu dùng của Mỹ.

Người Mỹ hiện nay nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu ít hơn trong tổng giá trị ngôi nhà của họ. Cổ phần mà người Mỹ nắm giữ trong các ngôi nhà của họ hiện chỉ còn 38,6% so với 61% cách đây một thập kỷ.

Cổ phần nhà đất phản ánh khả năng tài chính của các chủ nhà. Thu nhập bị giảm, các chủ sở hữu nhà không thanh toán được các khoản vay, do vậy tỷ lệ cổ phần trong ngôi nhà mà họ sở hữu sẽ nhỏ đi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục