Giá trị và sức sống của chủ nghĩa Marx ngày nay

GS.TS Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh hội thảo về lý luận Mácxít góp phần khẳng định giá trị, sức sống chủ nghĩa Marx trong thời đại ngày nay.
Giáo sư-Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định chủ đề “Lý luận Mácxít và thực tiễn trên thế giới ngày nay" của hội thảo khoa học về lý luận Mácxít là cấp thiết và phù hợp với nhu cầu của thế giới hiện đại.

Hội thảo giúp các nhà khoa học trao đổi thông tin nghiên cứu về chủ nghĩa Marx trong thế giới ngày nay, tập trung vào các vấn đề lý thuyết và thực tiễn thời sự, qua đó góp phần khẳng định giá trị, sức sống của chủ nghĩa Marx trong thời đại ngày nay; đẩy mạnh việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Ngày 14/12, phát biểu tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Lý luận Mácxít và thực tiễn trên thế giới ngày nay” do Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, giáo sư-tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh, hiện nay, trên con đường cải cách, đổi mới, các nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, song trước mặt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin được coi như "cẩm nang thần kỳ," như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, để giải quyết các vấn đề của thực tiễn.

Song giáo sư-tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa cũng nhấn mạnh vận dụng như thế nào là sáng tạo mà không phải là giáo điều, dập khuôn hoặc xét lại... vẫn là những vấn đề mà các Đảng lãnh đạo quá trình cải cách, đổi mới cần tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu một cách nghiêm túc...

Tại hội thảo, gần 60 tham luận của các giáo sư-tiến sĩ, nhà khoa học trong và ngoài nước được trình bày và gửi đến hội thảo tập trung làm rõ 4 chủ đề lớn: Lý luận Mácxít - Lịch sử và hiện tại; Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa; Đặc điểm và xu thế lớn của thời đại ngày nay; Chủ nghĩa xã hội - thực trạng và triển vọng.

Theo các đại biểu, cùng với sự khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng cần nhận thức rõ hơn những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Marx trong thế giới đương đại như về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân hiện đại, về tính tất yếu của sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội; về đấu tranh giai cấp và liên minh giai cấp hiện nay, phát triển dân chủ, bảo vệ quyền con người, vấn đề dân tộc, cuộc đấu tranh ý thức hệ và sự phát triển lý luận Mácxít... trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề của chủ nghĩa tư bản hiện đại như khuynh hướng biến đổi kinh tế và cơ cấu xã hội của nó, về sự phát triển của giai cấp công nhân hiện đại trong lòng chủ nghĩa tư bản và những vấn đề chính trị xã hội của nó.

Các đại biểu cũng cho rằng, một trong những vấn đề lớn mà lý luận Mácxít hiện đại đang quan tâm là chủ nghĩa xã hội hiện thực ở giai đoạn cải cách đổi mới sẽ hội nhập thế nào với quá trình toàn cầu hóa đang còn mang đậm tính chất tư bản chủ nghĩa hiện nay. Những mâu thuẫn và xu hướng vận động của chủ nghĩa tư bản hiện đại, những đặc điểm của kinh tế thị trường hiện đại, sự chi phối và những giới hạn của chủ nghĩa tư bản với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay cùng vận mệnh của nó trong tương lai...

Hội thảo một lần nữa khẳng định những giá trị, đóng góp của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và nêu lên những nguyên nhân cùng bài học lịch sử từ sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới hai thập niên trước đây... Từ khủng hoảng và đổ vỡ, nhiều nước vẫn kiên định với chủ nghĩa Marx-Lenin, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa, tiến hành cải cách, đổi mới và đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử...

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Lý luận Mácxít và thực tiễn trên thế giới ngày nay” thu hút đông đảo các nhà khoa học trong nước và 6 quốc gia bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Chile, Canada, Anh tham dự và dự kiến sẽ kết thúc ngày 17/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục