Giá vàng đã "hạ nhiệt" trên các thị trường châu Á

Trong phiên giao dịch ngày 1/8, giá vàng trên thị trường châu Á giảm hơn 1%, sau khi mối lo sợ về nguy cơ vỡ nợ của Mỹ được "dẹp tan."
Trong phiên giao dịch ngày 1/8, giá vàng trên thị trường châu Á giảm hơn 1%, sau khi mối lo sợ về nguy cơ vỡ nợ của Mỹ được "dẹp tan."

Tại Singapore, giá vàng kỳ hạn có thời điểm giảm hơn 1% xuống 1.608,2 USD/ounce, trước khi phục hồi lên 1.616 USD/ounce vào lúc 6 giờ 34 phút giờ GMT.

Trong khi giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.613.24 USD/ounce. Hôm cuối tuần trước (29/7), giá vàng giao ngay đã lập kỷ lục mới ở mức 1.632.30 USD/ounce.

Ong Yi Ling, nhà phân tích thuộc Phillip Futures, cho rằng việc đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ đạt được thỏa thuận về nâng mức trần nợ là nguyên nhân đẩy giá vàng đi xuống trong phiên 1/8.

Một nhà giao dịch tại Singapore cho biết hiện nay nhiều người đang đẩy mạnh hoạt động bán ra.

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa thông báo ông và các nhà lãnh đạo của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận vào phút chót về vấn đề nâng mức trần nợ công, nhằm tránh nguy cơ nước Mỹ bị vỡ nợ.

Ông Obama nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ giúp xua tan nguy cơ bất ổn đối với nền kinh tế Mỹ, cũng như các thị trường tài chính.

Theo thoả thuận này, Mỹ sẽ nâng mức trần nợ công thêm khoảng 2.400 tỷ USD, từ mức 14.300 tỷ USD hiện nay, đồng thời cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng 2.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc giá vàng giảm và sự xoa dịu trên các thị trường tài chính sau khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ đạt được đồng thuận về việc tăng mức trần nợ, có thể sẽ không kéo dài, do triển vọng kinh tế vĩ mô của thế giới vẫn "u ám."

Theo các chuyên gia này, sức hấp dẫn của vàng, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn, vẫn sẽ thu hút các nhà đầu tư, trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải chật vật với tình trạng sản xuất yếu kém và "bóng ma" khủng hoảng nợ vẫn đe dọa khu vực đồng euro.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ cũng là một mối lo ngại lớn, khi số liệu thống kê tuần trước cho thấy đà tăng trưởng trong nửa đầu năm nay của nền kinh tế lớn nhất thế giới chậm hơn nhiều so với dự kiến.

Trong tháng 7/2011, giá vàng đã tăng 8,5% - mức tăng cao nhất cao nhất kể từ tháng 4/2011, do giới đầu tư quan ngại về vấn đề nợ công ở hai bờ Đại Tây Dương./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục