Khó dự đoán giá vàng

Giá vàng diễn biến rất phức tạp và khó dự đoán

Giá vàng đang diễn biến rất phức tạp và khó dự đoán, do khủng hoảng kinh tế và sự “đánh mất mình” của các định chế tài chính lớn.
Thị trường vàng thế giới đang ở trong giai đoạn phức tạp hơn bao giờ hết do diễn biến của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự “đánh mất mình” của các định chế tài chính tầm cỡ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuần qua, giá vàng tại thị trường New York đã chốt tại mức 1.104,1 USD/ounce ngay trước khi thị trường đóng cửa để bước vào kỳ nghỉ Giáng sinh. Đây là mức giá đạt được sau khi có sự phục hồi nhẹ từ mức 1.080,5 USD/ounce ngày 22/12.

Giá vàng tại các thị trường khác chốt ở các mức giá xung quanh mức 1.105 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, giá vàng vật chất đã lập tức tăng lên ngay khi giá vàng thế giới tăng.

Tính đến chiều ngày 27/12, giá vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 26,67 triệu đồng/lượng bán ra và 26,58 triệu đồng/lượng mua vào (chênh lệch 90.000 đồng/lượng bán ra-mua vào).

Giá vàng SJC có mức chênh lệch bán ra-mua vào là 50.000 đồng/lượng khi niêm yết giá 26,60-26,55 triệu đồng/lượng (bán-mua). Trong khi đó, giá vàng SBJ-Sacombank là 26,70 - 26,64 triệu đồng/lượng (bán-mua).

Trong tuần qua, khi giá vàng thế giới ở mức thấp nhất kể từ ngày 8/11, giá vàng trong nước cũng đã xuống chỉ còn 26,23-26,15 triệu đồng/lượng (bán-mua vàng SJC.

Những ngày giá vàng xuống thấp được đa số nhà đầu tư xem là cơ hội mua vào. Mặc dù lượng mua vào không tăng đột biến song chiếm phần lớn trong tổng giao dịch của thị trường.

Theo thông tin từ các cửa hàng kinh doanh vàng, trong những ngày qua, lượng vàng bán ra thường gấp từ 2-3 lần so với lượng mua vào.

Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước cho phép một số doanh nghiệp được nhập khẩu vàng trở lại, giá vàng trong nước đã biến động sát hơn so với giá vàng thế giới. Khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không còn lên đến hàng triệu đồng/lượng như ở thời điểm “sốt”.

Sự chênh lệch hiện nay vào khoảng 700.000 đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch được tính dựa trên tỷ giá USD/VND của thị trường tự do.

Nếu tính theo tỷ giá niêm yết của Ngân hàng Ngoại thương (18.479 VND/USD) thì mức chênh lệch này vào khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Mức giá tính theo tỷ giá chính thức chỉ được áp dụng trên các sàn vàng và khoảng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng vật chất trong nước được các sàn vàng áp cho mức phí rút vàng.

Chính phủ vừa có một loạt biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối, trong đó có việc yêu cầu một số doanh nghiệp nhà nước phải bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng. Động thái này đã góp phần hạ giá USD trên thị trường tự do.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước đã không điều chỉnh theo tỷ giá USD mới khiến khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại được nới rộng ra trong những ngày cuối tuần qua. Trước đó, có lúc mức chênh lệch này chỉ còn khoảng 400.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới thời gian qua lùi về ngưỡng 1.100 USD/ounce được cho có nguyên nhân chính từ sự phục hồi giá trị của đồng USD.

Chính phủ Mỹ đang nỗ lực củng cố vị thế của đồng USD trước những động thái cân đối lại danh mục tài sản của các Ngân hàng Trung ương và các Quỹ tài chính trên thế giới theo hướng giảm tỷ trọng nắm giữ USD. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng giá mạnh mẽ của kim loại vàng trong vòng 1 năm qua (tính đến trước ngày 2/12, ngày giá vàng đạt đỉnh 2.218 USD/ounce tại thị trường New York).

Trong thời gian tới, giá vàng trong nước sẽ chỉ vận động theo giá vàng thế giới nếu như không có gì “bất thường” trên thị trường vàng và ngoại hối trong nước.

Với giá vàng thế giới, giới phân tích cho rằng, triển vọng của đồng USD gắn liền với tình hình kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục là nhân tố tác động trực tiếp tới giá vàng.

Mặc dù kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu phục hồi nhất định nhưng vẫn còn đó những nguy cơ tiềm tàng, chủ yếu liên quan đến tình trạng thất nghiệp. Dù không muốn đồng USD bị đánh giá thấp nhưng FED vẫn phải cân nhắc khả năng kéo dài thời hạn duy trì lãi suất thấp để tránh nguy cơ nền kinh tế có thể tái rơi vào suy thoái.

Chuyên gia Carlos Sanchez - Phó Giám đốc nghiên cứu của CPM Group cho rằng giá vàng trong thời gian tới có thể tăng lên không chỉ bởi tình hình nền kinh tế Mỹ chưa thể thoát ra khỏi cơn suy thoái mà còn bởi những diễn biến chính trị đáng chú ý khác trên thế giới như tại Afghanistan, hay Iran...

Giá vàng có thể vượt đỉnh cũ và thậm chí sẽ đạt đến ngưỡng kỷ lục 1.400-1.500 USD/ounce.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, chưa bao giờ giá vàng thế giới lại phức tạp và khó dự đoán như đang diễn ra. Trước đây, mỗi khi giá vàng có dấu hiệu biến động hơn bình thường thì IMF hoặc các ngân hàng trung ương châu Âu sẽ can thiệp, nhưng giờ họ dường như đang “buông tay”.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã “nhắc nhở” Ngân hàng Nhà nước cần can thiệp mạnh hơn vào thị trường vàng.

Thủ tướng chia sẻ “Kinh tế Trung Quốc như thế mà họ chỉ cho phép đúng một đơn vị được mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài, thế mà Việt Nam có tới 11 đơn vị”./.

Quang Huy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục