Giá vàng nóng bỏng, nhà đầu tư chùn tay

Khi các ngưỡng cản 960 - 970 - 980 USD/ounce lần lượt bị phá vỡ thì việc giá vàng chinh phục lại mốc 1.000 USD/ounce không còn là mục tiêu viển vông. Chính vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua đã mạnh tay gom vàng, nhất là trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ trở lại như hiện nay.

Khi các ngưỡng cản 960 - 970 - 980 USD/ounce lần lượt bị phá vỡ thì việc giá vàng chinh phục lại mốc 1.000 USD/ounce không còn là mục tiêu viển vông. Chính vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua đã mạnh tay gom vàng, nhất là trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ trở lại như hiện nay.

Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, mặc dù giá vàng ngày 1/6 đã vượt mức kỷ lục trên 21,6 triệu đồng/lượng nhưng giao dịch trên thị trường lại đóng băng. Vì sao giá vàng càng “nóng” thì kênh đầu tư vàng càng “lạnh”?

Sợ "bỏng" khi giá vàng "nóng"

Thị trường vàng sôi động nhất là khi có nhiều nhà "lướt sóng", nhưng khi giá vàng cao như hiện nay thì chẳng mấy ai có đủ mạo hiểm để nhảy vào thị trường. Các công ty kinh doanh cho biết, vào những thời điểm thị trường nhộn nhịp, mỗi công ty có thể bán tới hàng nghìn lượng vàng mỗi ngày. Tuy nhiên, trong vòng một tuần nay, mặc dù giá vàng đã vượt 20 triệu đồng/lượng nhưng lượng vàng bán ra chỉ được vài trăm lượng.

Lãnh đạo một công ty kinh doanh vàng bạc nói: "Giao dịch chậm lắm, gần như đóng băng. Khách mua vàng chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu cấp bách như thanh toán hay trả nợ".

Một nhà đầu tư phân tích: "Thời điểm giá vàng nóng như hiện nay, đầu tư vàng rất dễ “bỏng”. Bởi, kinh tế thế giới có thể rơi vào lạm phát, đó là một phần nguyên nhân khiến giá vàng tăng. Tuy nhiên, nhiều quan điểm nhận xét khủng hoảng đang ở mức đáy và nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu hồi phục vào cuối năm nay. Như vậy, giá vàng vẫn có thể quay đầu giảm mạnh. Chính vì vậy, khi giá vàng đã quá cao như hiện nay, giới đầu tư sẽ phải tính toán rất kỹ trước khi quyết định mua vào".

Thị trường vàng càng thêm ảm đạm khi mức giá trên 20 triệu đồng đã tồn tại lâu nay và người dân trở nên quen với việc vàng tăng giá. Do đó, những nhà đầu tư muốn bán vàng đều tiếp tục chờ đợi một mức giá cao hơn.

Theo các chuyên gia, chỉ khi giá thế giới vượt trên 1.000 USD/ounce, kéo giá trong nước lên gần 22 triệu đồng, hoặc ngược lại, giảm xuống dưới 20 triệu đồng, thì thị trường mới sôi động trở lại.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam nói: “Những người đang nắm giữ vàng lúc này là những người có quan điểm mua vàng để cất giữ, không phải mua để bán kiếm lời. Những nhà đầu tư này có quan điểm tương tự như các nhà đầu tư quốc tế mua vàng để trú ẩn lạm phát và khủng hoảng. Còn người dân đang gửi vàng trong ngân hàng không muốn rút ra giữa chừng, có người ngại bán xong không biết đầu tư vào đâu và cũng ngại không mua vào được nữa. Kỳ vọng giá vàng còn tăng cao sẽ khiến giới đầu tư sẽ chưa vội ăn non ở thời điểm này”.

Ngại rủi ro khi "lạc nhịp" với thế giới

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, một trong những lý do nữa khiến giới đầu tư trong nước ngại vàng là do thị trường càng biến động thì giá vàng trong nước càng lạc nhịp so với giá thế giới do hoạt động xuất nhập khẩu vàng chưa được khơi thông.

Ông Trúc phân tích: "Từ đầu năm đến nay, để hạn chế nhập siêu, Ngân hàng Nhà nước đã cấm không cho nhập khẩu vàng. Do đó, giá vàng không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới mà còn bị quyết định bởi xu hướng cung cầu trong nước. Bởi vậy, có khi giá vàng thế giới lên thì giá trong nước lên nhanh hơn cả giá thế giới, nhà đầu tư trong nước phải mua vàng đắt hơn giá thế giới. Nhưng ngược lại, cũng có khi giá thế giới xuống nhưng giá vàng trong nước lại xuống chậm khiến các nhà đầu tư rất dễ bị thua thiệt".

Thực tế là hiện nay, cầu về vàng hầu như không có nhưng giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá thế giới khoảng 250.000 đồng/lượng. Rủi ro về giá với các nhà đầu tư trong nước sẽ lớn hơn nếu trong thời gian tới khi cùng với việc giá vàng thế giới vượt mức 1.000 USD/ounce, các nhà đầu tư lo ngại giá vàng tăng cao sẽ lại đổ xô mua vàng.

Bởi, theo giới kinh doanh, cầu về vàng càng tăng thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ càng tăng lên. Trong khi đó, do nhập khẩu vàng chưa được khơi thông, nguồn cung vàng trong nước cũng không còn dồi dào vì một lượng vàng không nhỏ đã được xuất ở thời điểm đầu năm thì khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới còn có thể rộng hơn nữa.

Để giá vàng trong nước bớt lạc nhịp so với giá thế giới, ông Trúc cho rằng, quan trọng là cán cân cung-cầu phải cân bằng. Tuy nhiên, việc cho nhập khẩu vàng trở lại rất khó được chấp thuận trong thời điểm này do những lo ngại về nhập siêu. Hơn nữa, để nhập khẩu vàng sẽ phải chuẩn bị một lượng ngoại tệ lớn để thanh toán, như vậy, sẽ tạo thêm áp lực đẩy tỉ giá ngoại tệ lên./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục