Giá vàng tăng trong khi đồng USD giảm tại châu Á

Ngày 23/8, trên thị trường châu Á, giá vàng lấy lại đà đi lên, trong khi đồng USD giảm giá và chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm.
Trong phiên giao dịch ngày hôm nay (23/8) trên thị trường châu Á, giá vàng đã lấy lại đà đi lên, trong khi đồng USD giảm giá và chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm.

Giá vàng lấy lại đà đi lên

Ngày 23/8, trên thị trường châu Á, giá vàng đã lấy lại đà đi lên cùng với sự trở lại của các hoạt động mua vào tranh thủ lúc giá rẻ sau khi giá kim loại quý này giảm nhẹ trong phiên cuối tuần trước.

Tại Singapore, trong phiên giao dịch ngày hôm nay, giá vàng đã tăng thêm 1,65 USD lên 1.228,60 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức cao 1.229,65 USD/ounce.

Các số liệu công bố gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chao đảo, trong khi một số nhà đầu tư cũng quay lưng lại với đồng euro trước những lo ngại về khả năng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ còn suy yếu hơn nữa trong thời gian tới.

Cùng với việc thị trường chứng khoán Nhật Bản phiên 23/8 tiếp tục đà mất điểm trước những lo ngại về việc đồng yên mạnh sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh đã thúc đẩy một số nhà đầu tư quay lại thị trường vàng để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.

Tuy vậy, bất chấp làn sóng mua vào tranh thủ lúc giá rẻ của các nhà đầu tư và giới đầu cơ, hoạt động giao dịch trên thị trường vàng nói chung vẫn rất thưa thớt, do các nhà kinh doanh đồ trang sức đang đứng ngoài thị trường sau khi đẩy mạnh mua vào hồi tuần trước.

Ông Ong Yi Ling, nhà phân tích đầu tư thuộc công ty Phillip Futures ở Singapore nhận định nhu cầu đầu tư vàng hiện nay vẫn khá lớn, nhất là khi thị trường vẫn chưa hết lo ngại về sự phục hồi kinh tế.

Ông cho rằng nếu giá vàng có thể đứng vững ở ngưỡng 1.220 USD/ounce, thì nó sẽ còn tăng nữa, trong bối cảnh thị trường vẫn tiếp tục được lợi từ môi trường lãi suất thấp, ám chỉ tới cam kết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục 0-0,25% trong một thời gian nữa.

Đồng USD giảm giá

Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 23/8, đồng USD chịu sức ép giảm giá so với đồng yen giữa sự không chắc chắn về những nỗ lực của Nhật Bản trong việc vực dậy nền kinh tế đang xuống dốc.

Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều tại Tokyo, đồng USD đổi được 85,32 yen, giảm so với 85,63 yen lúc đóng cửa phiên cuối tuần trước tại New York. Trong khi đó, đồng euro tăng giá nhẹ so với đồng USD, từ 1,2714 USD lên 1,2719 USD.

Giới đầu tư cho rằng Chính phủ Nhật Bản thời gian này có thể sẽ không đưa ra thêm biện pháp kích thích kinh tế mới, bất chấp những thông tin mà giới truyền thông đưa ra cho rằng Tokyo đang nghiên cứu rất nhiều kế hoạch.

Tổng Thư ký nội các Nhật Bản Yoshito Sengoku cho biết Thủ tướng Naoto Kan và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Masaaki Shirakawa đã có cuộc điện đàm, thảo luận về những diễn biến gần đây trên thị trường, song không đề cập tới việc can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Các quan chức chính phủ Nhật Bản đang cố gắng tác động bằng lời nói để ngăn chặn sự lên giá của đồng yen, sau khi đồng tiền này vượt qua mọi dự báo trước đó của nhiều nhà xuất khẩu.

Tỷ giá USD/yen cứ tăng 1 yen thì doanh thu của các công ty Nhật Bản có thể bị thiệt hại hàng chục tỷ yen khi thu tiền về nước, theo đó nó sẽ đe dọa khu vực xuất khẩu vốn đang là trụ cột của Nhật Bản để bù đắp sự suy giảm nhu cầu nội địa.

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 23/8, khi sự bi quan về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu gia tăng và chứng khoán Australia bị kéo tụt trước khả năng sự quản lý của chính phủ sẽ lơi lỏng sau cuộc bầu cử vào cuối tuần trước.

Phiên giao dịch ảm đạm tại châu Á theo sau phiên đóng cửa giảm điểm trên Phố Wall cuối tuần trước, khi niềm tin của các nhà đầu tư đi xuống trước các số liệu gần đây cho thấy tăng trưởng của Mỹ đang chậm lại.

Theo các nhà phân tích tại Barclays Capital, các thị trường vẫn lo ngại về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, xuất phát từ các số liệu không mấy khả quan về kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,3%, nhờ cổ phiếu trong một số lĩnh vực như tài nguyên và công nghệ tăng giá.

Chứng khoán Australia giảm điểm nhẹ sau cuộc bầu cử cuối tuần trước tại nước này không một đảng nào giành được đa số ghế tại Quốc hội. Chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,2%, xuống 4.421 điểm, song đã phục hồi sau đó và đóng cửa ở 4.429 điểm. Một số cổ phiếu hàng hóa lên giá tại thị trường này, khi có hy vọng mức thuế đánh vào lợi nhuận ngành khai mỏ có thể sẽ giảm nếu đảng Tự do đối lập lên nắm quyền. Cổ phiếu của BHP tăng giá 0,55%, còn của Rio Tinto tăng 0,87%.

Chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 76,36 điểm, hay 0,36%, xuống 20.905,46 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 7,83 điểm, hay 0,44%, xuống 1.767,71 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 2,94 điểm, hay 0,11%, xuống 2.639,37 điểm. Trong khi đó, chỉ số weighted của Đài Loan tăng 48,62 điểm, hay 0,61%, lên 7.975,93 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 62,69 điểm, hay 0,68%, xuống 9.116,69 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 27/11/2009.

Theo Giám đốc điều hành bộ phận tiếp thị chứng khoán của Nomura Securities, Masahiko Sato, trong khi các chính phủ trên khắp thế giới đang cho phép đồng tiền nước họ yếu đi, nếu Nhật Bản không có bất kỳ hành động nào can thiệp vào đà tăng giá đồng yen, đồng tiền này sẽ tăng mạnh hơn nữa, gây sức ép lên thị trường chứng khoán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục