Giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao trong hai năm tới

Những lo ngại đối với vấn đề suy thoái kép, áp lực lạm phát và nguy cơ cuộc khủng hoảng đồng euro tiếp tục xấu đi đang khiến các nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào vàng, đẩy giá kim loại này lên mức kỷ lục mới.

Nguồn cung vàng tuy tiếp tục tăng trong năm nay, nhưng do nhu cầu cũng tăng lên, chủ yếu là do tiêu thụ của Trung Quốc và sự thèm muốn của các nhà đầu tư, nên giá vàng thế giới sẽ còn tiếp tục tăng trong hai năm tới.
Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí Economist (Nhà kinh tế) của Anh cho rằng những lo ngại đối với vấn đề suy thoái kép, áp lực lạm phát và nguy cơ cuộc khủng hoảng đồng euro tiếp tục xấu đi đang khiến các nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào vàng, đẩy giá kim loại này lên mức kỷ lục mới.

Nguồn cung vàng tuy tiếp tục tăng trong năm nay, nhưng do nhu cầu cũng tăng lên, chủ yếu là do tiêu thụ của Trung Quốc và sự thèm muốn của các nhà đầu tư, nên giá vàng thế giới sẽ còn tiếp tục tăng trong hai năm tới.

Theo EIU, có rất nhiều yếu tố làm vàng tăng giá. Trước tiên là sự phục hồi nhu cầu, đặc biệt là về trang sức, chiếm khoảng 50% mức tiêu dùng vàng.

Năm 2009, tiêu dùng vàng trang sức giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 21 năm, chỉ bằng khoảng một nửa so với mức đỉnh điểm năm 1997, do giá cao và khủng hoảng kinh tế. Nhưng kể từ nửa cuối năm 2009, nhu cầu trang sức tăng mạnh trở lại, do người tiêu dùng đã quen với mức giá cao.

Trong quý I năm nay, tiêu dùng vàng trang sức tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Vàng sử dụng trong công nghiệp; đặc biệt là lĩnh vực điện tử, cũng phục hồi. Dự báo tiêu dùng vàng toàn cầu sẽ tăng 6% năm nay và 8,8% năm 2011.

Một yếu tố khác đẩy nhu cầu vàng lên là việc đầu tư, không chỉ dưới hình thức truyền thống là các đồng tiền, vàng thỏi mà còn dưới hình thức các quỹ đầu tư tín thác (ETF).

Vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, vừa có giá trị như tiền tệ, vừa có giá trị để cất trữ và chiếm một phần quan trọng trong dự trữ ngoại tệ của các nước. Do đó, vàng rất nhạy cảm với sự thay đổi trong xu hướng đầu tư toàn cầu và tâm lý của những người đầu cơ.

Kể từ cuối năm 2009, việc tích trữ vàng thỏi bắt đầu tăng lên, trong đó riêng tháng Năm tăng 155 tấn. Việc mua đồng xu vàng cũng tăng lên, khi trong tháng Năm, Mỹ bán ra lượng tiền vàng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư của các ETF tăng 85,3% lên tổng số 595 tấn vàng vào cuối năm 2009 và tiếp tục tăng mạnh trong năm tháng đầu năm nay.

EIU cho rằng vàng hiện vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho đầu tư. Yếu tố chính làm các nhà đầu tư quan tâm đến vàng là sự phục hồi không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù kể từ quý IV/2009, triển vọng kinh tế toàn cầu đã cải thiện đáng kể, nhưng những lo ngại về một cuộc suy thoái kép vẫn còn.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, các nhà đầu tư vẫn mua vàng để đầu cơ đề phòng những bất trắc của các tài sản khác cũng như lạm phát, do chính sách kích thích của các nước và sự bất ổn của đồng euro.

Hơn nữa, khi lãi suất ngắn hạn thực tế của các đồng tiền chính bằng 0 hoặc âm, lợi nhuận của việc nắm giữ các tài sản khác rất thấp, dẫn tới nhu cầu đối với vàng càng tăng lên.

Một yếu tố nữa giúp giá vàng tăng là nỗ lực đa dạng hóa danh mục của các nhà đầu tư, sự phục hồi nhu cầu trang sức của Ấn Độ và Trung Quốc cũng như các động thái đa dạng hóa danh mục dự trữ của các ngân hàng trung ương. Vàng vẫn thu hút các nhà đầu tư vì hiện vẫn tương đối rẻ so với giá trị thực tế dài hạn của nó và thấp hơn so với đỉnh điểm năm 1980.

Tuy nhiên, yếu tố tâm lý thị trường đội giá vàng lên, cũng có thể đẩy giá vàng xuống. Với việc đầu cơ chiếm khoảng 37,5% tổng nhu cầu vàng năm 2009 và dự kiến tăng lên mức 38,2% vào năm 2010, giá vàng càng trở nên nhạy cảm trước những suy đoán. Điều này là rất nguy hiểm vì nguồn cung vàng toàn cầu tiếp tục vượt nhu cầu, với thặng dư gần 510 tấn năm 2009 và dự báo ở mức hươn 210 tấn năm 2010.

Nếu có những dự đoán cho rằng kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh, các dòng vốn sẽ chảy từ vàng sang cổ phiếu, trái phiếu chính phủ hoặc các loại hàng hóa khác, gây sức ép lên giá vàng.

Vì vậy, những lo ngại suy thoái kép và sự suy giảm trở lại của nhu cầu toàn cầu có thể buộc một số quỹ phải bán tháo vàng để bù đắp cho các khoản thua lỗ của các tài sản khác, hoặc khi các nhà đầu tư cho rằng vàng đã đạt đỉnh, họ sẽ bán tháo ra để chốt lời như đã diễn ra hồi đầu năm 2009.

Thị trường vàng dường như đang nằm trong mâu thuẫn. Một mặt, các nguyên tắc cơ bản cho thấy có một lượng lớn vàng dư thừa trong năm 2009-2010. Nhưng mặt khác, sự thèm muốn vàng một cách vô độ của các nhà đầu tư đã đẩy nhu cầu và giá vàng lên cao.

Do đó, EIU dự báo đến cuối năm 2011 sẽ thiếu một lượng lớn vàng và giá sẽ tiếp tục được đẩy lên./.

Đình Thư (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục