Giá vàng trên thị trường thế giới giảm nhẹ trong phiên 26/5

Trong phiên giao dịch ngày 26/5, giá vàng thế giới đánh mất lực tăng vào đầu phiên trong bối cảnh đà giảm của đồng USD chững lại.
Giá vàng trên thị trường thế giới giảm nhẹ trong phiên 26/5 ảnh 1Các thỏi vàng tại cơ sở tinh chế ở Mendrisio, bang Ticino, Thụy Sĩ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 26/5, giá vàng thế giới đánh mất lực tăng vào đầu phiên, trong bối cảnh đà giảm của đồng USD chững lại và thị trường có ý chờ đợi bài phát biểu của người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tại Mỹ giảm 0,3% xuống 1.220,16 USD/ounce. Trong phiên trước (25/5), giá kim loại quý này đã rơi xuống 1.217,25 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 6/4.

Trong khi đó, giá vàng giao tháng 6/2016 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) giảm 0,3% và đóng cửa ở mức 1.220,40 USD/ounce.

The các nhà phân tích, biên bản cuộc họp của Fed công bố hồi tuần trước đã phát đi tín hiệu về khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất.

Triển vọng này cộng thêm sự tăng giá của đồng bạc xanh đã khiến giá vàng giảm hơn 5% kể từ đầu tháng Năm đến nay và đang hướng đến mức giảm/tháng mạnh nhất kể từ tháng 11/2015.

Hiện nay, thị trường đang chờ đợi bài phát biểu trong ngày 27/5 của Chủ tịch Fed, Janet Yellen, tại Đại học Harvard.

Trong khi đó, giá dầu thế giới trong phiên ngày 26/5 đã có thời điểm được giao dịch trên mức hơn 50 USD/thùng, trong bối cảnh tình trạng dư cung đã có dấu hiệu giảm xuống.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 7/2016 giảm 8 xu Mỹ xuống 49,48 USD/thùng.

Tại thị trường London của Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2016 cũng giảm 15 xu Mỹ xuống 49,59 USD/thùng.

Trước đó, cũng trong phiên này, cả giá dầu WTI và dầu Brent đều có thời điểm vượt ngưỡng 50 USD/thùng, trong bối cảnh nguồn cung giảm do gián đoạn khai thác dầu mỏ tại Canada và Nigeria, cũng như Mỹ giảm sản lượng khai thác trong thời gian qua.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn đi xuống vào cuối phiên khi nhà đầu tư giữ tâm lý lo ngại trong bối cảnh Iran tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu và nhu cầu năng lượng bấp bênh của kinh tế Trung Quốc và các thị trường chủ chốt khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục