Giấc mơ thâu tóm ngành bán dẫn thế giới của Mỹ có thành hiện thực?

Trong giấc mơ của người Mỹ, R&D, sản xuất và bán chất bán dẫn toàn cầu sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, và cơ chế "ngăn chặn phát tán" chất bán dẫn sẽ trở thành "vòng khép kín."
Giấc mơ thâu tóm ngành bán dẫn thế giới của Mỹ có thành hiện thực? ảnh 1(Nguồn: Nikkei Asia)

Ngày 23/9, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raymondo và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Brian Deese đã tổ chức một buổi tiệc với sự tham gia của các doanh nghiệp TSMC, Samsung và các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn lớn trên toàn cầu, nhằm cùng thảo luận về việc thiết lập “hệ thống cảnh báo sớm đối với tình trạng thiếu chip" và tăng cường tính minh bạch của toàn ngành bán dẫn.

Tại cuộc họp, Mỹ đã yêu cầu các công ty trước ngày 8/11 tới phải nộp cho chính phủ tất cả 26 bí mật kinh doanh, bao gồm thông tin khách hàng, dòng sản phẩm và chu kỳ giao hàng trong ba năm qua.

Mỹ nhấn mạnh rằng đây là "sự tự nguyện" của tất cả mọi người, nhưng nếu từ chối bàn giao, Washington sẽ có phương án khác, bao gồm cả việc viện dẫn Luật Sản xuất Quốc phòng để cưỡng chế thực thi.

Theo báo mạng Người quan sát (Trung Quốc) ngày 26/10, ngay sau khi tin tức này được công bố, thế giới đã không khỏi náo động. Giới truyền thông cho biết trong mấy ngày gần đây, các công ty như TSMC và Samsung vẫn đang dao động giữa việc giữa thỏa hiệp với Mỹ hay kiên trì với cách làm cũ. Việc đưa ra quyết định thực sự là hết sức khó khăn.

Mục đích của Mỹ là gì?

Một số người có thể tự hỏi rằng Chính phủ Mỹ từ lâu đã sử dụng sự độc quyền công nghệ, vị thế hàng đầu của đồng USD và "quyền tài phán dài hạn" để gây ảnh hưởng lên ngành công nghiệp bán dẫn. Các công ty Mỹ vì thế được hưởng lợi rất nhiều trong lĩnh vực này, trong khi các nước khác chỉ được hưởng “miếng bánh thừa.” Tuy nhiên, Washington lại đột ngột đưa ra những yêu cầu khiến giới doanh nghiệp phải sửng sốt. Điều này rốt cuộc là nhằm mục đích gì?

Câu trả lời là Mỹ muốn nắm độc quyền về chip. Được ví như “viên ngọc quý” trong lĩnh vực công nghệ cao, ngành công nghiệp bán dẫn là trái tim và linh hồn của nước Mỹ. Kết quả là, ngành này đã trở thành đối tượng được bảo vệ chủ chốt đầu tiên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

[Mỹ công bố đề xuất gói chi tiêu 52 tỷ USD cho ngành bán dẫn]

Những khó khăn trong quá trình vận chuyển và di chuyển do đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động của chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip toàn cầu càng khiến Mỹ thêm quyết tâm trong việc xây dựng “tường cao cho sân nhỏ."

Cần bao nhiêu bước để “nhét con voi vào tủ lạnh”?

Theo quan điểm của Mỹ, trong toàn bộ chuỗi công nghiệp bán dẫn, các ngành tập trung nhiều nghiên cứu và phát triển (R&D) như quyền sở hữu trí tuệ cốt lõi, nền tảng công nghiệp tự động hóa thiết kế điện tử, thiết kế chip và thiết bị sản xuất đã được Mỹ và các đồng minh phương Tây kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, những ngành công nghiệp đòi hỏi đầu tư như sản xuất, thử nghiệm và đóng gói tấm wafer lại tập trung ở các khu vực châu Á như vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. 75% sản lượng chất bán dẫn toàn cầu, đặc biệt là loại kích thước 5 nanomet (nm), 7nm và các dây chuyền sản xuất chip hàng đầu 3nm sắp tới đều tập trung ở châu Á. Do đó, Mỹ buộc phải hành động.

Trong bối cảnh đó, kế hoạch “nhét con voi vào tủ lạnh” của Mỹ có thể chia làm ba bước. Bước đầu tiên là "Mở cửa tủ lạnh", bao gồm việc yêu cầu các công ty trên thế giới cung cấp tất cả các bí mật thương mại, những gì họ sản xuất, sản lượng bao nhiêu mỗi năm, nguồn nguyên liệu thô cần thiết được lấy từ đâu và họ bán cho ai...

Nếu không hợp tác, ngay lập tức sẽ xuất hiện cây gậy lớn như "Luật sản xuất quốc phòng", "Luật an ninh quốc gia"… để đe dọa như Washington đã từng làm với các doanh nghiệp như Huawei và ZTE.

Sau khi Mỹ có được những dữ liệu này, thông qua phân tích so sánh chéo, họ sẽ dễ dàng nắm bắt được công nghệ, nhân sự, nguyên vật liệu, dòng lợi nhuận, phân phối và tái phân phối của toàn bộ chuỗi ngành công nghiệp chip, đồng thời đặt nền móng cho bước tiếp theo.

Bước thứ hai là "Nhồi bông vào con voi" - chỉ việc vừa mềm vừa rắn buộc các nhà sản xuất phải chuyển giao công nghệ, năng lực sản xuất và công nghiệp phụ trợ từ 5 nm trở lên mà Mỹ đang rất cần.

Cho đến nay, TSMC đã thông báo sẽ chi 12 tỷ USD để xây dựng dây chuyền sản xuất 5 nm tại Mỹ. Ngoài ra, họ cũng có kế hoạch mở rộng hơn nữa và xây dựng dây chuyền sản xuất 3 nm tại nước này, với tổng vốn đầu tư ít nhất là 56 tỷ USD.

Trong khi đó, Samsung có kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD để xây dựng dây chuyền sản xuất 3 nm tại Mỹ và Intel cũng quyết định đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy mới. Ngoài ra, Mỹ cũng đã thành lập một nhóm làm việc song phương về chuỗi cung ứng chất bán dẫn với Mexico để xúc tiến việc xây dựng nhà máy lắp ráp chip ở bang Baja California.

Bước thứ ba là “Đóng cửa tủ lạnh.” Sau khi có được đầy đủ năng lực sản xuất chip hàng đầu là 3 nm và 5 nm để đưa vào sản xuất thành công, Mỹ sẽ kiểm soát hoàn toàn dây chuyền công nghiệp bán dẫn.

Trong giấc mơ của người Mỹ, R&D, sản xuất và bán chất bán dẫn toàn cầu sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, và cơ chế "ngăn chặn phát tán" chất bán dẫn sẽ trở thành "vòng khép kín."

Giấc mơ Mỹ có thành hiện thực?

Câu hỏi được đặt ra là liệu giấc mơ Mỹ có thành hiện thực? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần tìm hiểu chip do Mỹ sản xuất sẽ được bán cho ai?

Đầu tư vào R&D và sản xuất chất bán dẫn là rất lớn, việc xây dựng một nhà máy có thể dễ dàng tiêu tốn hàng chục tỷ USD và doanh số bán hàng lớn là cần thiết để duy trì một vòng tuần hoàn tốt. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Năm 2020, thị phần tiêu thụ của nước này chiếm 34,4% lượng tiêu thụ của thế giới và sẽ tiếp tục mở rộng.

Mỹ đã áp đặt một số lệnh cấm xuất khẩu đối với Huawei, SMIC... Ngay cả khi Mỹ làm chủ quy trình sản xuất và năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến trong tương lai, nếu không bán được số lượng lớn, họ sẽ mất tất cả. Về khoản này, Mỹ hiểu hơn ai hết.

Vấn đề cần tìm hiểu thứ hai là liệu các nhà sản xuất chất bán dẫn có "ngồi yên"?

Theo đuổi "an ninh tuyệt đối" chính là "mất an ninh tuyệt đối". Thông tin khách hàng, dòng sản phẩm, chu kỳ cung ứng… là rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Một khi bên thứ ba nắm được bí mật thương mại, các công ty có thể mất khả năng thương lượng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số bán hàng, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận giảm, từ đó ảnh hưởng đến đầu tư R&D và cuối cùng làm tổn hại năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp.

Chính phủ Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và đã quen với việc “kéo khung rào.” Do đó, ai có thể đảm bảo rằng bí mật thương mại của TSMC và Samsung sẽ không bị chuyển giao cho các công ty Mỹ?

Chiến lược của Trung Quốc

Rõ ràng, chiến lược cạnh tranh của Mỹ đối với Trung Quốc đã được nâng lên một tầng nấc mới. Mỹ muốn cùng các đồng minh và đối tác xây dựng một “nguồn cung ứng sản xuất” an toàn tuyệt đối, nhằm đuổi theo và ngăn chặn Trung Quốc thống lĩnh chuỗi giá trị kinh tế thế giới.

Mỹ muốn hưởng phần lợi nhuận cao nhất của ngành sản xuất cao cấp và công nghệ cao thế giới, nhường Trung Quốc công việc lắp ráp điện thoại di động và máy tính, sản xuất quần áo và giày dép.

Tuy nhiên, một quy luật phát triển của Trung Quốc là Mỹ và phương Tây càng phong tỏa chặt chẽ thì Trung Quốc càng bứt phá nhanh hơn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các mắt xích yếu trong chuỗi công nghiệp bán dẫn và đạt được những tiến bộ nhanh chóng.

Lấy điện thoại di động Huawei làm ví dụ. Sau khi tháo rời điện thoại di động Huawei Mate40E, Nhật Bản phát hiện ra rằng tỷ lệ tự cung cấp nguyên bản bán dẫn của Trung Quốc là gần 60%, so với mức chỉ 30% cách đây hai năm.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời điểm hiện tại nhưng tương lai phát triển ngành bán dẫn của Trung Quốc là rất sáng sủa và đầy hứa hẹn. Những cải cách của nước này sẽ không bị đình trệ và cánh cửa mở ra sẽ ngày càng rộng hơn.

Trung Quốc sẽ không bằng lòng khi chỉ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Khi "vòng tuần hoàn kép" tiếp tục phát triển, Trung Quốc có thể và sẽ chiếm vị trí xứng đáng trong toàn bộ chuỗi R&D, sản xuất và bán hàng của chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Từng một thời là “bá vương” trong ngành bán dẫn, các công ty bán dẫn của phương Tây như Fairchild Semiconductor, National Semiconductor, Bell, Infineon… đều đã biến mất hoặc bị thôn tính. TSMC và ASM có thể là những “gã khổng lồ” trong ngành ngày hôm nay, nhưng một khi mất quyền tự chủ thì rất có thể bị vượt qua hoặc thay thế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục