Giải bài toán cho "Hàng Việt về nông thôn"

Kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm ưu thế với 75% thị phần, nhưng nhiều DN chưa biết tận dụng để tiếp cận khách hàng nông thôn

 
Từ tháng 3/2009 đến nay, chương trình “Hàng Việt về nông thôn” đã được tổ chức 6 phiên trải dài từ Nam ra Bắc tại 5 tỉnh là An Giang, Khánh Hòa, Trà Vinh, Bắc Giang và Bến Tre nhằm hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn - thị trường lâu nay chưa được các doanh nghiệp chú trọng đúng mức.

Mưa dầm thấm lâu

Bà Vũ Kim Hạnh, Trưởng ban tổ chức chương trình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, quý 4 - 2009, UBND tỉnh, Sở công thương và Trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và nhiều tỉnh thành khác sẽ cùng BSA tiếp tục hành trình đưa hàng về nông thôn.

Từ nền tảng của BSA, các doanh nghiệp đã bắt đầu khởi động thường xuyên hơn những chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Chỉ tính trong tháng 9 này, Saigon Co.op đã thực hiện 32 chuyến bán hàng lưu động về 7 huyện vùng ven và tại 5 khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP. HCM với tổng chi phí khoảng 500 triệu đồng.

Hàng hóa phục vụ cho bà con chủ yếu là hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất trong nước với mức giá giảm hấp dẫn từ 5 - 40% cùng nhiều quà tặng kèm theo. Riêng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có thêm hàng may mặc để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của công nhân.

Trong hai ngày 18 và 19/9, Co.op Mart Vĩnh Long tham gia chuyến “Đưa hàng Việt về nông thôn” cùng BSA tại huyện Tam Bình – Vĩnh Long. Ngoài ra, dự kiến từ nay đến cuối năm 2009, Co.op Mart Biên Hòa sẽ tổ chức gần 10 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện thuộc tỉnh Đồng Nai nhằm phục vụ cho bà con, công nhân.

Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, những chuyến bán hàng lưu động bước đầu diễn ra rất thuận lợi vì được sự hỗ trợ của Sở Công thương TP. HCM và phòng công thương các quận huyện, địa phương về địa điểm, tuyên truyền nên đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người dân. Dự kiến doanh số bán hàng lưu động năm nay sẽ tăng khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ.

Cũng trong tháng 9, từ ngày 18 - 20/9, Big C Đà Nẵng tham gia chương trình hội chợ “Phiên chợ Hàng Việt - Đợt 1” do Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tổ chức tại xã Hòa Khánh - quận Liên Chiểu.

Big C giới thiệu đến bà con các vùng sâu, vùng xa trên 100 mặt hàng sản xuất tại Việt Nam như áo, quần, đồ gia dụng, thực phẩm khô… và một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như bánh mì, bánh ngọt…Ước tính tại 3 thành phố Hà Nội, Huế và Đà Nẵng, số lượng hàng Big C chuẩn bị tương đương 10 tỷ đồng.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang - đại diện Big C cho biết, các đợt bán hàng lưu động của Big C chỉ mới bắt đầu, nhưng người dân địa phương tham gia rất đông đảo và hài lòng khi mua hàng Việt với giá cả cạnh tranh, chất lượng đảm bảo.

Mặc dù chương trình được tham gia rất nhiệt tình và đạt hiệu quả cao, nhưng theo ông Lê Văn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty NutriFood, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu tinh thần chia sẻ trong việc xây dựng hệ thống phân phối hàng tại nông thôn. Do đó, trong thời gian qua, doanh nghiệp bán hàng mà chưa có một chiến lược lâu dài.

Ông Nguyễn Duy Thuận, chuyên gia kinh tế của BSA cho rằng, chương trình bán hàng ở nông thôn làm sao cho người tiêu dùng phải mua được 2 lần trở lên để đạt được tiêu chí mua mãi thành quen vì số ít mua nhiều còn hơn là số đông mua ít.

Người dân nông thôn có thói quen mua ít nhưng “rỉ rả” sẽ thành nhiều, khi người ta dùng hết thì mới mua lại. Như vậy, nếu doanh nghiệp hiểu được quy luật bán hàng ở thị trường nông thôn sẽ thành công.

Còn nhiều lỗ hổng

Nông thôn vẫn là thị trường rộng mở, doanh nghiệp nên đặt chiến lược về giá lên hàng đầu vì đa số người dân vẫn còn khá nghèo, sức mua vẫn còn yếu. Nếu chúng ta sòng phẳng với người dân nông thôn thì chắc chắc rằng sản phẩm của doanh nghiệp sẽ không được tiêu thụ mạnh tại khu vực này, tuy nhiên không phải giá rẻ mà chất lượng lại thấp”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, hiện tại cộng đồng doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đến thị trường nông thôn, hay nói đúng hơn là doanh nghiệp chưa mạnh tay “bung” tiền ra đầu tư xây dựng kênh phân phối tại thị trường này.

Ngoài ra, chiến lược nhân lực ở nông thôn cũng là vấn đề doanh nghiệp nên quan tâm vì không thể đưa nhân sự ở thành thị về nông thôn hoạt động tiếp thị và bán hàng mà nên xây dựng một đội ngũ nhân sự thích hợp tại nơi thực hiện chương trình.

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý chọn kênh bán hàng hiệu quả nhất sao cho hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng bằng kênh truyền thống hay hiện đại, thường xuyên tổ chức công tác “nuôi dưỡng” các kênh phân phối để phát hiện ra những lỗ hổng trong hệ thống của mình.

Chúng ta không làm từ thiện mà chúng ta đang mang hàng đến người dân nông thôn bằng nhu cầu thực tế và phù hợp với chính sách kinh tế hiện tại. Chúng ta bán hàng tại thị trường nông thôn sẽ thành công khi tạo được sự hài lòng của người dân như khi đi mua hàng tại một siêu thị”, ông Trần Phú Quốc, Giám đốc Tiếp thị Công ty Mỹ Hảo nói.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Trà Vinh chia sẻ, tỉnh đã cử cán bộ khảo sát kỹ thị trường vùng nông thôn để tìm hiểu nhu cầu của người dân trước khi tiến hành chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu vùng xa.

Qua thời gian thực hiện, chương trình đã tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, người dân yên tâm khi mua sắm sản phẩm chất lượng, lần đầu tiên tiểu thương biết được cách bán hàng hiệu quả thông qua các buổi tư vấn, tập huấn…

Theo đề xuất của nhiều doanh nghiệp, ban tổ chức nên tăng số lần tổ chức phiên chợ bán hàng nông thôn trong năm, tùy thuộc vào đặc thù của từng địa phương, nên kéo dài thời gian tổ chức phiên chợ vì người tiêu dùng đều cho rằng thời gian diễn ra nhanh quá, họ không sắp xếp thời gian kịp để đi mua sắm./.
Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+ 
Doanh nhân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục