Giải bài toán nhân lực khoa học, công nghệ

Nhu cầu nhân lực cho các khu công nghệ cao là rất lớn nhưng các doanh nghiệp muốn có nguồn lao động thì buộc phải tự đào tạo lại.
Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, năng lực khoa học- công nghệ quốc gia nói chung còn thấp, quy mô nhỏ hẹp.

Điều tra tiềm lực khoa học- công nghệ của Bộ Khoa học- Công nghệ cũng cho thấy, tuổi đời của cán bộ khoa học khá cao, hầu hết là giáo sư và phó giáo sư gần 60 tuổi, số dưới 50 tuổi chỉ chiếm 12%.

Số lượng tiến sĩ là hơn 10.000 người nhưng trình độ so với chuẩn quốc tế rất thấp, chỉ có khoảng 25% số cán bộ khoa học có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và chúng ta đặc biệt thiếu các chuyên gia và tổng công trình sư.

Tự động hóa vẫn được coi là nhóm ngành thiếu nhân lực trầm trọng nhất. Tuy hầu hết các trường đào tạo kỹ thuật đều có chuyên ngành này nhưng hiện cả nước chỉ có 5.000 người làm việc trong lĩnh vực này.

Xếp thứ hai sau tự động hóa là ngành công nghệ sinh học. Theo nhận xét của các nhà chuyên môn thì các nhóm ngành khác cũng không mấy khả quan hơn.

Doanh nghiệp phải vào cuộc

Hiện cả nước có hai khu công nghệ cao cấp quốc gia là Láng - Hòa Lạc (Hà Nội) và TP.HCM. Gần đây thành phố Đà Nẵng cũng bắt tay vào xây dựng khu công nghệ cao với diện tích hơn cả nghìn hécta với nguồn vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

Điều này chứng tỏ, nhu cầu nguồn nhân lực cho các khu công nghệ cao là rất lớn, đặc biệt là những lao động có chất lượng và trình độ tay nghề cao. Tuy nhiên vấn đề mà các doanh nghiệp tỏ ra lo ngại nhất hiện nay chính là chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp muốn có nguồn lao động thì buộc phải tự mình đào tạo lại.

Công ty Intel đã tuyển hàng trăm kỹ sư Việt Nam. Sau khi tuyển, công ty phải đưa nhân công sang các nhà máy tại Mỹ, Malaysia... để đào tạo lại từ 1,5 - 2 năm mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

Dự kiến năm 2010, mỗi quý, công ty sẽ tuyển khoảng 300 kỹ sư công nghệ thông tin. Do đó, trong tương lai, để giảm bớt chi phí đào tạo sau tuyển dụng, Intel đang tính đến chuyện sẽ thu hút du học sinh Việt Nam về nước làm việc thay vì tuyển chọn trực tiếp nguồn lao động sẵn có trong nước.

“Chương trình học của các trường quá khác so với thực tế. Bởi vậy, chúng tôi luôn tốn thêm một khoảng thời gian để đào tạo lại sinh viên, rèn luyện cho họ những kiến thức và kỹ năng cần thiết, sau đó mới sử dụng được”, ông Lê Hồng Hải, Trưởng phòng phần mềm số 2, Công ty phần mềm FPT nhận định.

Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ MK cũng cho rằng việc đào tạo lại là hết sức cần thiết.

Theo ông Khang, “Cho dù là các ứng viên khi tuyển dụng vào đều có trình độ chuyên môn hoặc kỹ năng làm việc tốt, song việc đào tạo lại giúp họ thích ứng nhanh hơn với công việc và yêu cầu của tổ chức, đồng thời cũng là cơ hội để các ứng viên hiểu rõ hơn về nơi mà họ sẽ cống hiến và gắn bó”.

Liên kết nhà trường – doanh nghiệp

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Khang cho rằng, các trường đại học, cao đẳng cũng là 1 nhà máy sản xuất và sản phẩm của họ là nguồn nhân lực công nghệ cao. Mà đã là nhà máy sản xuất thì cũng phải đi tìm khách hàng- chính là các doanh nghiệp có nhu cầu để hợp tác và phát triển.

Ông Khang nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp và nhà trường cùng nhau hợp tác để đào tạo ra những nguồn lao động làm được việc theo đúng nhu cầu thực tế.

“Việc “bắt tay” giữa các doanh nghiệp và tổ chức giáo dục sẽ mang lại những lợi ích cụ thể và thiết thực như phía tổ chức giáo dục sẽ biết được chính xác nhu cầu nhân lực để có kế hoạch đào tạo phù hợp, sát yêu cầu thực tiễn. Các học viên khi ra trường sẽ tìm được việc phù hợp với chuyên môn. Còn doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo và đào tạo lại", ông nói.

Theo ý kiến từ các trường đại học hiện nay, hình thức hiệu quả nhất là hợp tác và mời các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến cho các chương trình đào tạo.

Qua việc hợp tác này, các trường đại học sẽ có thông tin về nhu cầu lao động cùng các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết tại doanh nghiệp mà quan trọng nhất là trình độ công nghệ hiện tại của doanh nghiệp. Việc thực tập tại doanh nghiệp của sinh viên và giáo viên do đó cũng được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có kinh nghiệm thực tế và không bỡ ngỡ trong những ngày đầu nhận việc.

Hiện, trên khắp cả nước, số lượng trường đào tạo theo mô hình liên kết với doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, có một hạn chế là học phí của những cơ sở đào tạo này quá cao mà hầu hết sinh viên hiện nay khó có thể kham nổi.

Điều này đòi hỏi Nhà nước cần đánh giá đúng đắn hơn về tiềm năng phát triển của ngành công nghệ cao, từ đó đầu tư đúng mức nhằm phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn này.

Đưa đào tạo vào khu công nghiệp

Ông Nguyễn Duy Phong, Phó hiệu trưởng trường Đại học FPT cho rằng, việc đưa các trường đào tạo vào ngay các khu công nghiệp là một phương án có hiệu quả để sinh viên có điều kiện vừa học, vừa làm, được cọ sát thực tế. Không chỉ có các doanh nghiệp tận dụng được nguồn nhân lực mà các trường cũng sẽ có được những phòng thí nghiệm và nhà máy từ chính hệ thống của các doanh nghiệp.

Đây cũng là mô hình khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế phát triển tốc độ cao như Trung Quốc. Tại Việt Nam, mô hình này vẫn đang ở giai đoạn manh nha và chưa thực sự phát triển.

Vừa qua, việc chính thức khởi công trường Đại học FPT tại khu công nghệ cao Hòa Lạc đánh dấu một bước phát triển mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam. Đại diện FPT cho biết, nếu khu công viên phần mềm FPT kịp triển khai khi lứa sinh viên mới nhập trường đến thời gian thực tập, đại học FPT sẽ tổ chức cho sinh viên thực tập ngay tại đây.

Theo các nhà chuyên môn thì mô hình đào tạo này cần được tham khảo và nhân rộng./.
 Bài viết trên được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh Nhân của VCCI và Báo điện tử Vietnam+.
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục