Giải bài toán thị trường đầy thách thức cho cá tra Việt Nam

Cá tra Việt Nam đang gặp nhiều thách thức và câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, giải quyết đầu ra cho sản phẩm cá tra.
Giải bài toán thị trường đầy thách thức cho cá tra Việt Nam ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp thủy sản Miền Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cá tra Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về phát triển thị trường, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết.

Làm thế nào để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, giải quyết đầu ra cho sản phẩm cá tra là vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi và chế biến cá tra ở Việt Nam.

Gặp khó ở thị trường EU

Theo số liệu của cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), sản lượng xuất khẩu cá tra, cụ thể là sản phẩm phile cá tra đông lạnh của Việt Nam vào EU liên tục sụt giảm kể từ năm 2010 đến nay.

Nếu như năm 2010, sản lượng phile cá tra đông lạnh Việt Nam xuất vào EU đạt khoảng 220.000 tấn thì đến năm 2017 còn khoảng 75.000 tấn.

Tiến sỹ Paul S. Valle, chuyên gia ngành thủy sản tại Na Uy cho rằng, sản phẩm cá tra nói chung đang gặp nhiều vấn đề với thị trường EU.

Cá tra có xu hướng bị “đẩy ra” khỏi EU do chịu sự cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm cá thịt trắng khác như: cá tuyết, cá lưỡi trâu, cá minh thái… có mức giá rẻ hơn.

Thêm vào đó, việc tiếp cận thị trường của cá tra cũng khó khăn bởi các cáo buộc mang tính tiêu cực như sản xuất cá tra gây ảnh hưởng bất lợi đến môi trường và nhiều thông tin thiếu xác thực khác.

Đáng lo ngại, người tiêu dùng EU có xu hướng tiếp nhận và mặc định những thông tin bất lợi cho cá tra là đúng.

Ngoài những vấn đề mang tính khách quan như chịu cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại, truyền thông không chính xác và đầy đủ thì cách tiếp cận sản phẩm cá tra của Việt Nam vào các nước EU cũng được cho là chưa phù hợp với phân khúc người tiêu dùng.

[Hàng loạt tờ báo tại Romania "bôi xấu" hình ảnh cá tra Việt Nam]

Theo nhiều người Việt đã từng sinh sống ở EU cho biết thời gian đầu khi cá tra Việt Nam xuất hiện ở thị trường EU chỉ có những sản phẩm cá tra đông lạnh sơ chế, nhiều mỡ, không hấp dẫn cả về thị giác và vị giác, thứ duy nhất khiến người tiêu dùng ở đây chấp nhận dùng thử cá tra là giá khá rẻ.

Từ những lý do đó khiến người tiêu dùng EU cho rằng cá tra là sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp, ít giá trị gia tăng và không được ưu tiên lựa chọn sử dụng thường xuyên.

Hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ tăng cường áp thuế lên các sản phẩm tiêu dùng; trong đó, bao gồm các sản phẩm thủy sản của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng được và mất gì từ cuộc chiến này?

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Thông, giảng viên trường Đại học Nha Trang, phân tích Trung Quốc hiện là nhà cung ứng thủy sản lớn nhất cho Mỹ với sản phẩm chủ lực là cá rô phi. Trong khi cá chép và cá rô phi của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với cá tra và cá rô phi của Việt Nam.

Giải bài toán thị trường đầy thách thức cho cá tra Việt Nam ảnh 2Thu hoạch cá tra phục vụ chế biến xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Với diễn biến mới nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, từ ngày 23/8/2018 hầu hết các sản phẩm cá và thủy sản khác của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế mới là 25% thay vì 10,2% như trước đó.

Theo ông, với mức thuế nhập khẩu trước đây, giá xuất khẩu bình quân của các sản phẩm thủy sản Việt Nam cao hơn Trung Quốc khá nhiều, nhưng khi Mỹ áp mức thuế 25% lên thủy sản Trung Quốc thì cá tra, tôm, mực của Việt Nam sẽ có lợi thế hơn về giá. Do đó, cá tra Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các loại cá tương tự của Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, về tổng thể chưa hẳn cá tra Việt Nam được lợi do nhu cầu nhập khẩu cá tra của Mỹ đang có xu hướng giảm; đồng thời do hệ lụy từ cuộc chiến với Mỹ, Trung Quốc buộc phải gia tăng tiêu thụ nội địa và các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Cùng chung nhận định này, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài, nhiều khả năng cá tra của Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với các thủy sản của Trung Quốc ngay tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó, sản lượng xuất khẩu cá tra nói riêng, thủy sản của Việt Nam nói chung vào Trung Quốc cũng sẽ giảm.

Thay đổi chiến lược phát triển thị trường

Trong bối cảnh nguồn cung cá thịt trắng nuôi toàn cầu dự kiến sẽ tăng, cá rô phi, cá tra tăng trưởng nhanh, việc thay đổi chiến lược phát triển thị trường cho sản phẩm là vấn đề căn cơ để ngành nuôi và chế biến cá tra Việt Nam phát triển lâu dài.

Giải bài toán thị trường đầy thách thức cho cá tra Việt Nam ảnh 3Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tiến sỹ Paul S. Valle chia sẻ, dòng chảy cá tra đang có sự “đổi hướng” sang các nước châu Á, khu vực Nam Mỹ và châu Phi. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên chủ động tìm kiếm thị trường mới. Trong đó, khu vực Nam Mỹ được cho là có mức tăng trưởng nhanh nhất và Mexico, Brazil, Colombia là những thị trường khả quan cho cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên, tiến sỹ Paul S. Valle khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tiếp thị, truyền thông sản phẩm ngay từ đầu để hiểu và tiếp cận khách hàng tốt hơn. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên tiếp thị dựa theo thị hiếu, mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với các thông tin liên quan tới sản phẩm.

Điển hình như tiêu chí lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng Italia là dinh dưỡng và ý thức môi trường, trong khi đó người tiêu dùng Tây Ban Nha lại đặc biệt quan tâm tới thương hiệu, chất lượng của nhà cung cấp.

Phân tích các lựa chọn chiến lược cho ngành cá tra Việt Nam trong thời gian tới, tiến sỹ Nguyễn Tiến Thông cho rằng, việc tìm kiếm các thị trường mới là phù hợp với nhu cầu thực tế và giảm thiểu các rủi ro ở các thị trường truyền thống. Tuy nhiên, cá tra Việt Nam vẫn nên xác định EU và Mỹ là những thị trường quan trọng nhất.

Theo lý giải của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thông, mặc dù sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào EU và Mỹ sụt giảm, nhưng thị phần của Việt Nam tại các thị trường này vẫn đảm bảo. Vì vậy, thay vì tăng sản lượng Việt Nam nên chinh phục người tiêu dùng EU, Mỹ bằng các sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hơn nữa, việc duy trì xuất khẩu vào EU và Mỹ cũng là động lực để ngành nuôi và chế biến cá tra Việt Nam đổi mới phương thức sản xuất, trình độ khoa học công nghệ trong chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế để từ đó dễ dàng tiếp cận các thị trường khác.

Tiến sỹ Gudmundur Stefansson, chuyên gia ngành thủy sản tại Iceland cho rằng, để phát triển thị trường thành công không riêng gì cá tra mà tất cả các sản phẩm khác đều phải làm hài lòng khách hàng. Muốn thực hiện điều đó, cá tra Việt Nam phải đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của từng phân khúc thị trường.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần xác định được phân khúc khách hàng mục tiêu, khai thác tốt các cơ hội từ thị trường ngách mà "đối thủ" bỏ qua, đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá thương hiệu dựa trên các tiêu chí phát triển bền vững, chất lượng và thân thiện với môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục