Giải Báo chí TTXVN: Sự vào cuộc của toàn ngành trước các sự kiện lớn

Các tác phẩm dự thi Giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2019 có sự đổi mới về nội dung, phương thức thể hiện, đa dạng về loại hình thông tin, có tác động xã hội lớn.
Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi trao giải A cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)
Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi trao giải A cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Lễ trao Giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2019 được tổ chức long trọng vào chiều 5/6 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Theo đánh giá của hội đồng giải thưởng, các tác phẩm dự thi có sự đổi mới về nội dung, phương thức thể hiện, đa dạng về loại hình thông tin, có tác động xã hội lớn.

Nâng cao chất lượng

Theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng: Ban Tổ chức nhận được 277 tác phẩm (giảm 10% so với năm 2018), thuộc mọi loại hình báo chí: Báo in, ảnh báo chí, truyền hình, báo điện tử, thông tin đa phương tiện... “Tuy số lượng giảm nhưng điều đáng mừng là chất lượng vẫn được bảo đảm, thậm chí tăng lên so với các mùa giải trước,” bà Hà nhấn mạnh.

Nội dung các tác phẩm có tính thời sự cao, bao phủ phần lớn các sự kiện, vấn đề lớn trong nước và những “điểm nóng” quốc tế được dư luận xã hội quan tâm.

[Đại hội Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam lần thứ VIII]

Cách tổ chức và triển khai các tuyến tin, bài có nhiều đổi mới, phát huy sức mạnh tập thể, phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị trong ngành. Đặc biệt, nhiều tuyến bài cho thấy sự dấn thân, quyết tâm đeo bám đề tài tới cùng của các tác giả, nhóm tác giả.

Năm 2019 có nhiều sự kiện và tuyến chủ đề quan trọng diễn ra trên diện rộng, thậm chí trên quy mô thế giới, thu hút sự vào cuộc của nhiều đơn vị trong ngành, từ các cơ quan thường trú trong nước đến các cơ quan thường trú ngoài nước, từ các đơn vị tin nguồn đến tòa soạn báo, từ truyền hình đến dữ kiện tư liệu…

Tất cả các đơn vị đã cùng phối hợp để đưa tin về một sự kiện thời sự, một vấn đề được dư luận quan, tạo nên những chùm sản phẩm thông tin phong phú về nội dung, đa dạng thể loại và sinh động về loại hình. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng của mùa giải này.

Nhiều phóng viên thể hiện sự đa năng khi sản xuất các tác phẩm thông tin bằng nhiều loại hình báo chí như bài viết, hình ảnh, thông tin điện tử và tin truyền hình.

Giải Báo chí TTXVN: Sự vào cuộc của toàn ngành trước các sự kiện lớn ảnh 1Tổng Giám đốc TTXVN trao giải A cho tác giả Võ Mạnh Hùng, Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Kết quả, Hội đồng Giải thưởng đã lựa chọn trao giải cho 65 tác phẩm, nhóm tác phẩm xuất sắc; trong đó có 7 giải A, 15 giải B, 20 giải C và 23 giải khuyến khích. Bên cạnh đó, Ban Giám khảo cũng đã trao 12 giải thưởng phụ ở các hạng mục: Breaking News, Thông tin Đồ họa, Thông tin Đa phương tiện, Nhóm Phóng viên Đa năng, Nhóm Phóng viên Triển vọng…

VietnamPlus giành nhiều giải thưởng

Tại Giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2019, Báo Điện tử VietnamPlus là một trong những đơn vị có nhiều tác phẩm vào vòng chung khảo nhất.

Kết quả, VietnamPlus giành hai Giải A với tác phẩm “Những lời thề đỏ máu tuổi 20” (Sơn Bách-Minh Sơn-Thanh Trà) và “Ma trận vàng đen… trong cơn khát năng lượng” (Hùng Võ-Thanh Trà).

“Những lời thề đỏ máu tuổi 20” là câu chuyện, góc nhìn của chính những người lính đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Đối với những người lính đã từng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt,” 56 ngày đêm trong lòng chảo Tây Bắc này từ lâu đã hóa thành một phần máu thịt. Họ đã dùng cả tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình để đốt cháy “pháo đài bất khả xâm phạm” trên ngọn đồi A1.

[Mega Story: “Những lời thề đỏ máu tuổi 20”]

Nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, phóng viên VietnamPlus đã tìm gặp những người lính từng có mặt ở chiến trường Điện Biên năm xưa để lắng nghe, ghi lại những câu chuyện, hồi ức của họ.

Câu chuyện về họ sau hơn sáu thập kỷ vẫn giống như bản trường ca không thể phai trong lòng người hiện tại. Bản trường ca ấy tổng hòa trong mình sức mạnh của thế trận toàn dân; ý chí kiên trung bền vững của những người lính trẻ từ khắp mọi miền, mọi dân tộc và trên hết là tính chính nghĩa, tinh thần nhân đạo của Việt Nam.

Trong khi đó, loạt bài “Ma trận vàng đen… trong cơn khát năng lượng” mang tới cho độc giả những góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng quản lý, khai thác “vàng đen” tại các vùng mỏ trên cả nước.

Năm 2018, ngành than và ngành điện bỗng được nhắc đến nhiều hơn không phải bởi câu chuyện giá mà là hàng loạt nhà máy thủy điện trên cả nước lâm vào cảnh “đắp chiếu” hoặc hoạt động nửa vời, cầm chừng vì… thiếu nước. Cùng đó, một số nhà máy nhiệt điện cũng phải tạm ngừng hoạt động vì khan hiếm nguồn “vàng đen.” Nguy cơ thiếu điện trong mùa khô hiện hữu ngày càng rõ ràng.

[‘Ma trận vàng đen’… trong cơn khát năng lượng]

Đi tìm hiểu cội rễ của vấn đề, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus phát hiện ra rất nhiều nghịch lý, trong đó nổi lên là "hành trình" khó hiểu của than. Theo dự kiến, năm 2019, nhiệt điện than sẽ chiếm tới 48% lượng điện của cả nước. Tuy nhiên, thời điểm này cũng là lúc phát lộ ra con đường vô cùng lắt léo và vòng vo của nguyên liệu cho nhiệt điện: Than trong nước được “xúc” lên xuất bán ồ ạt sang Trung Quốc với mức giá được cho là “bèo bọt.” Để rồi, ngành điện, đặc biệt là ngành than lại phải nhập khẩu than với giá cao từ các thị trường Indonesia, Nga, Australia… và cả Trung Quốc!

Câu hỏi đặt ra là, vì sao một quốc gia xuất khẩu than, chuyên “xúc” than lên bán lại thiếu than và phải nhập khẩu than với mức giá cao gấp nhiều lần như vậy? Loạt bài "Ma trận vàng đen” trong cơn khát… năng lượng" góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.

Phóng viên VietnamPlus đã dành khoảng 1 năm để theo đuổi đề tài này. Trong quá trình triển khai, người viết đã đi thực tế, nhập vai người đi mua than, theo chân đội quân phu than, đầu nậu, thâm nhập vào một loạt “thiên đường than lậu” lớn nhất trên cả nước tại một số mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, để tìm hiểu về “ma trận vàng đen” trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang dần hiện hữu.

Giải Báo chí TTXVN: Sự vào cuộc của toàn ngành trước các sự kiện lớn ảnh 2Hội đồng Giải thưởng đã lựa chọn trao giải cho 65 tác phẩm, nhóm tác phẩm xuất sắc. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Bên cạnh đó, VietnamPlus cũng giành ba Giải C: phóng sự ảnh “Hà Nội quay cuồng trong cơn khát nước sạch” (Minh Sơn), “Xâm hại tình dục trẻ em: Những hồi chuông cảnh tỉnh” (nhóm tác giả) và “50 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chỉnh đốn Đảng để củng cố niềm tin của nhân dân” (nhóm phóng viên).

Cũng tại Giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2019, VietnamPlus giành một Giải Khuyến khích với chùm bài “Đường Trường Sơn: Hồi ức về tuyến lửa huyền thoại” (nhóm tác giả).

Tất cả các tác phẩm được giải đều được trình bày dưới hình thức Mega Story (tích hợp nội dung, hình ảnh, video clip, dữ liệu, đồ họa…).

Giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam được tổ chức thường niên, là nơi hội tụ những tác phẩm xuất sắc được tuyển chọn từ số lượng “khổng lồ” tin, bài, ảnh, tác phẩm truyền hình mà đội ngũ phóng viên, biên tập viên… của Thông tấn xã Việt Nam sản xuất hàng năm.

Qua mỗi mùa giải, nhiều cây bút, tay máy xuất sắc, nhiều nhân tố có triển vọng được phát hiện để khích lệ, động viên, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, làm vững mạnh thêm nguồn nhân lực của Thông tấn xã Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục