Giải cứu xuất khẩu thoát tăng trưởng âm

Xuất khẩu của Việt Nam, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm lần đầu tiên kể từ khi tiến hành Đổi mới (1986).

Để giải cứu xuất khẩu khỏi suy giảm, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nhằm vào chính sách tỷ giá, đa dạng hóa sử dụng ngoại tệ và hỗ trợ tín dụng xuất khẩu.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia (NCEIF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2009 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 58,7 tỷ USD đến 61,3 tỷ USD, giảm từ 2,2% đến 6,4% so với năm 2008.

Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục và Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác xuất khẩu một cách quyết liệt thì kim ngạch xuất khẩu 2009 có thể đạt cao hơn, thậm chí có thể bằng năm 2008 (tăng trưởng 0%).

Dự báo này dựa trên xu thế xuất khẩu của Việt Nam được hình thành trong nhiều năm gần đây, khả năng phục hồi của kinh tế thế giới và của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

NCEIF cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực Đông Bắc Á, các nước ASEAN, khó có khả năng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu trở lại đối với hầu hết hàng hóa, trừ một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (như quần áo, lương thực, thực phẩm).

Giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam cũng khó có khả năng tăng mạnh trở lại. Ngay cả dầu thô, một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam (hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu). Mặc dù, các nước trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã liên tiếp 3 lần cắt giảm sản lượng khai thác dầu, với lượng cắt giảm tổng cộng lên đến hàng triệu thùng mỗi ngày, song cũng không làm giá dầu tăng mạnh.

Tương tự, giá cả của nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là các sản phẩm đầu vào như nhiên liệu (xăng dầu, than đá, gas), khoáng sản (quặng kim loại), nguyên liệu (bông vải sợi, gỗ...) thời gian gần đây tuy giá của một số sản phẩm có tăng lên, song còn kém nhiều so với mức giá của năm 2008.

Cũng theo NCEIF, xu thế chung đã được hình thành và tương đối ổn định trong những năm gần đây ở Việt Nam, đặc biệt là từ năm 2000 đến năm 2008 là tỷ trọng xuất khẩu 6 tháng đầu năm thường chiếm khoảng 45%-47% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm, còn tỷ trọng 6 tháng cuối năm thường chiếm khoảng 53%-55%.

Với số liệu kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 là 27,6 tỷ USD, có thể ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2009 là từ 58,7 tỷ USD đến 61,3 tỷ USD; so với năm 2008 (có tổng kim ngạch xuất khẩu là 62,7 tỷ USD), tăng trưởng xuất khẩu của năm 2009 dự báo sẽ là -2,2% đến -6,4%.

Do vậy, nếu dự báo này thực sự xảy ra, đây sẽ là năm tăng trưởng xuất khẩu âm lần đầu tiên ở Việt Nam kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới năm 1986.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính châu Á năm 1997-1998, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tuy bị sụt giảm, song vẫn ở mức dương (năm thấp nhất là 1998 tăng trưởng xuất khẩu cũng đạt được +1,8%). Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện nay, đây vẫn được xem là mức sụt giảm tương đối ít so với nhiều nền kinh tế khác.

Để có thể thoát ra khỏi tăng trưởng âm, NCEIF đề xuất 3 giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nhằm vào chính sách tỷ giá, đa dạng hóa sử dụng ngoại tệ và hỗ trợ tín dụng xuất khẩu.

Theo NCEIF, tỷ giá là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và việc điều hành tỷ giá là một vấn đề lớn, rất nhạy cảm. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều chỉnh tỷ giá dần dần theo cách mở rộng biên độ dao động lên +-6% rồi +-7%, vào những thời điểm được tính toán cẩn thận, tránh gây ra những sốc bất lợi cho toàn bộ nền kinh tế.

Nhà nước cần có các quy định và chế tài cụ thể để đa dạng hóa việc sử dụng các ngoại tệ khác như euro, yen Nhật, Bảng Anh, Nhân dân tệ Trung Quốc… trong giao dịch xuất khẩu, tránh việc tập trung quá mức vào USD như hiện nay dẫn đến căng thẳng trong cung ứng USD, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Đối với chính sách hỗ trợ tín dụng xuất khẩu, NCEIF đề nghị trong gói kích thích kinh tế mà Chính phủ đang thực hiện nay, nên dành những khoản hỗ trợ tín dụng trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Chính phủ cũng nên bảo lãnh các khoản thanh toán đối với những doanh nghiệp chứng minh được là đã hoàn thành giao hàng và đang làm thủ tục thanh toán trên cơ sở bảo đảm thanh toán bằng chuyển giao chứng từ sở hữu hàng hoá cho ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ làm giảm các chi phí liên quan tới xuất khẩu như chi phí bến bãi, chi phí vận tải, chi phí thủ tục cũng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục