Giải mã bí ẩn tam giác quan hệ Trung Quốc-Myanmar-Ấn Độ

Myanmar đang mắc nợ Trung Quốc rất nhiều, chiếm 70% vốn FDI chỉ tính riêng trong lĩnh vực năng lượng và được coi là vùng đệm trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Giải mã bí ẩn tam giác quan hệ Trung Quốc-Myanmar-Ấn Độ ảnh 1Ông Tập Cận Bình và bà Suu Kyi. (Nguồn: globalresearch.ca)

Trang mạng tribuneindia.com đưa tin Myanmar, được coi là vùng đệm trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và là biên giới chiến lược thứ ba, đã tổ chức cuộc bầu cử lần thứ 3 vào tháng trước.

Cuộc bầu cử này thu hút sự chú ý đáng kể của New Delhi.

Các cuộc bầu cử - được tổ chức theo hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2008, được coi là lộ trình dẫn đến nền dân chủ đầy đủ - đã đưa bà Aung San SuuKyi của Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD) trở lại nắm quyền với chiến thắng vang dội bất chấp nền kinh tế yếu kém, cuộc khủng hoảng Rohingya, đàm phán hòa bình với các nhóm sắc tộc thất bại, sự trỗi dậy của Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc và đại dịch COVID-19.

Myanmar có một hệ thống chia sẻ quyền lực dân sự-quân sự độc đáo, trong đó tổng tư lệnh là người đứng đầu. Sự đụng độ của hai trung tâm quyền lực làm phức tạp thêm việc ra quyết định.

Hội đồng Quốc phòng và An ninh (NDSC) là cơ quan cấp cao nhất kiểm soát ba lực lượng và cảnh sát.

Quân đội tự gọi mình là người bảo vệ quốc gia để biện minh cho việc can thiệp vào chính trị trong nước vì họ phải bảo vệ hiến pháp, theo đó 25% số ghế trong các cơ quan lập pháp trung ương, bang và khu vực được dành cho quân đội.

[Myanmar trở lại dự án Vành đai và Con đường?]

Việc thực hiện một sự thay đổi hiến pháp - vốn đòi hỏi 2/3 số phiếu đống ý ở cả hai viện - là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Các bộ nội vụ, quốc phòng và biên giới được kiểm soát bởi chính quyền quân sự.

Trên thực tế, quân đội kiểm soát chính trị, an ninh, kinh tế, sự giàu có và Phật giáo.

Mối quan hệ giữa NLD và quân đội ngày càng xấu đi, dù bà Suu Kyi ra sức bảo vệ các sỹ quan quân đội Myanmar tại Tòa án Công lý Quốc tế trước các cáo buộc diệt chủng đối với người Rohingya.

Điều này làm hoen ố hình ảnh của bà trên trường quốc tế, song lại giúp nâng cao vị thế của bà ở trong nước.

Quân đội Myanmar phải đối mặt với những thách thức đã được xác định từ hơn 20 cuộc nổi dậy.

Bà Suu Kyi là một chính trị gia khôn ngoan trong một đảng do các chính trị gia lớn tuổi lãnh đạo. NLD đã không thể đứng lên phản đối quân đội.

Cuộc đàn áp người Rohingya của quân đội năm 2017 đã dẫn đến sự nổi dậy của Lực lượng Cứu nguy người Rohingya ở bang Rakhine, một lực lượng mới nổi dậy chống nhà nước.

Vào tháng 4/2021 tới, quyền lực tối cao trong quân đội có thể sẽ thay đổi sau một thập kỷ, nhưng Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing cho biết ông sẽ tiếp tục giữ một chức vụ dân sự hoặc quân sự khác.

Ông đã vận động các đảng đối lập và bày tỏ mong muốn trở thành phó tổng thống. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên một C-in-C (Tổng Tư lệnh) nắm giữ một vị trí trong chính phủ, vị trí thứ 5 trong thứ tự quyền lực. Ông là một tướng lĩnh chính trị, công khai chỉ trích các thể chế chính phủ là thiếu kỷ luật và hiệu quả.

Có chung đường biên giới dài 2.100km, Trung Quốc đóng vai “anh cả” ở Myanmar can dự vào chính trị, tiến trình phát triển và nền kinh tế của nước này, các cuộc đàm phán hòa bình với các nhóm sắc tộc và có mối quan hệ sâu sắc với cả NLD lẫn quân đội, vốn không hoàn toàn hài lòng với sự bành trướng của Bắc Kinh.

Trung Quốc cho biết họ sẽ hỗ trợ Myanmar trong việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và phẩm giá quốc gia của nước này.

Dự án hàng đầu của Bắc Kinh trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC) dài 1.700km (gồm 38 dự án, trong đó có 9 dự án đã được phê duyệt) bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với cảng biển sâu chiến lược Kyaukphyu ở tỉnh Rakhine mà Ấn Độ từng để mắt tới, điều đó sẽ cung cấp quyền tiếp cận Vịnh Bengal.

Trên thực tế, tỉnh Vân Nam được nối với Bắc Myanmar cho đến tận Mandalay.

CMEC trị giá 100 tỷ USD bao gồm xây dựng Thành phố Mới Yangon trị giá 8 triệu USD có thể vượt trội hơn Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan về lâu dài.

Myanmar đang mắc nợ Trung Quốc rất nhiều, chiếm 70% vốn FDI chỉ tính riêng trong lĩnh vực năng lượng. Trung Quốc nắm 40% khoản nợ 5-10 tỷ USD của Myanmar.

Cả hai nước đều có Hiệp định Hợp tác Chiến lược Toàn diện với thỏa thuận đối thoại 2 + 2 mới lần đầu tiên xuất hiện.

Tuy nhiên, mầm mống của sự ngờ vực đã tăng lên, khiến quân đội Myanmar cáo buộc Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự cho các nhóm nổi dậy, bao gồm cả Quân đội Arakan ở bang Rakhine và bang Chin.

Năm 2011, Tổng tư lệnh Than Shwe đã quay sang Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tháng 10 vừa qua, Ấn Độ đã có hành động hiếm thấy khi cử phái đoàn quân sự-dân sự chung đầu tiên do Ngoại trưởng Harsh Shringla và Tư lệnh lục quân - Tướng Naravane - dẫn đầu đến Myanmar. Điều này báo hiệu sự công nhận của nước này đối với cơ chế chia sẻ quyền lực dân sự-quân sự.

Viễn cảnh kết nối thông qua Myanmar - trọng tâm trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ - đang gặp khó khăn bởi các cuộc nổi dậy ở cả hai quốc gia và việc ra quyết định chậm trễ.

Đường cao tốc ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan đang được triển khai với tốc độ nhanh và đòi hỏi một đường vòng qua Mizoram để tránh các cuộc nổi dậy ở Nagaland và Manipur.

Dự án trung chuyển đa phương thức Kaladan, từ cảng Sittwe đến Mizoram qua bang Rakhine và Trung Quốc, đã bị lực lượng Arakan làm gián đoạn, dự án này được cho là do Trung Quốc hỗ trợ sau khi lực lượng này không thể ngăn cản dự án.

Tuyến dịch vụ xe buýt Imphal-Mandalay, đã được triển khai vào tháng 4/2020, sẽ đón khách sau đại dịch.

Ấn Độ đã đề nghị xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 6 tỷ USD như một khoản đầu tư vào an ninh năng lượng ngay cả khi nước này đã hoàn thành 140 dự án cơ sở hạ tầng.

Hỗ trợ của Ấn Độ, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại, trị giá 1,4 tỷ USD (và hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD), tuy nhiên con số này là rất nhỏ so với 3,5 tỷ USD của Trung Quốc, nhưng chủ yếu là các khoản vay.

Ấn Độ đã cung cấp dịch vụ xóa nợ đối với khoản nợ tích lũy của Myanmar là 10 tỷ USD.

Mặc dù thiết bị quân sự của Myanmar 80% là của Trung Quốc, song hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Ấn Độ và Myanmar đã tăng lên đáng kể.

Bên cạnh việc cung cấp vũ khí, xe tăng, pháo binh, tàu tuần tra xa bờ, Ấn Độ mới đây đã tặng một chiếc tàu ngầm lớp kilo cho Myanmar.

Hiện giờ, các mối quan hệ giao lưu nhân dân và các mối liên kết Phật giáo giữa hai nước cần được đẩy mạnh.

Mặc dù Ấn Độ khó có thể đuổi kịp Trung Quốc, nhưng việc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và nông nghiệp sẽ rất hữu ích.

Giống như Pakistan, Myanmar đang gặp khó khăn với các tướng lĩnh của mình, một số người trong số họ đang bị điều tra vì cáo buộc diệt chủng và sẽ bị trừng phạt, và cuối cùng sẽ bị xét xử tại các tòa án quốc tế.

Hệ quả là, quan hệ của Myanmar với phương Tây và thế giới Hồi giáo đã giảm mạnh. Hầu như không có cơ hội để thúc đẩy nền dân chủ, hoặc quân đội phục tùng sự kiểm soát của dân sự và thiết lập hòa bình với các cuộc nổi dậy sắc tộc. Myanmar sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện trạng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục