Giải mã bí ẩn về nguồn gốc đại dịch Cái chết Đen thảm khốc

Qua phân tích ADN từ những hài cốt còn sót lại trong một khu mộ cổ, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng nguồn gốc của trận dịch này là từ một khu vực của Kyrgyzstan.
Giải mã bí ẩn về nguồn gốc đại dịch Cái chết Đen thảm khốc ảnh 1Núi Tian Shan ở Kyrgyzstan, nơi mới tìm thấy những bằng chứng mới về nguồn gốc dịch Cái chết đen. (Nguồn: CNN)

Dữ liệu di truyền (DNA) cổ đại thu được từ di cốt các nạn nhân của bệnh dịch hạch được chôn cất trong nhiều nghĩa trang trên Con đường Tơ lụa từng tồn tại ở Trung Á đã giúp giải mã bí ẩn về nguồn gốc của “Cái chết đen” - một trong những đại dịch lớn nhất lịch sử cướp đi sinh mạng của gần 100 triệu người hồi giữa thế kỷ 14.

Ngày 16/6, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy dấu vết DNA cổ đại của vi khuẩn dịch hạch Yersinia Pestis từ răng của ba phụ nữ được chôn cất trong một nghĩa trang cộng đồng Cơ đốc giáo Nestorian thời Trung cổ ở gần hồ Issyk Kul, tại khu vực chân núi Tian Shan của Kyrgyzstan. Những người này có khả năng đã chết trong khoảng 2 năm 1338-1339. Trường hợp tử vong sớm nhất được ghi nhận ở những nơi khác trong đại dịch "Cái chết đen" là vào năm 1346.

Việc tái tạo lại bộ gen của mầm bệnh cho thấy nó không chỉ là nguồn gốc của chủng vi khuẩn đã gây ra dịch “Cái chết đen” hoành hành ở khắp châu Âu, châu Á, Trung Đông và Bắc Phi mà còn cả các chủng vi khuẩn gây bệnh dịch hạch vẫn tồn tại tới tận ngày nay.

Nhà sử học Philip Slavin thuộc Đại học Stirling ở Scotland, đồng tác giả của bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, cho biết: "Phát hiện của chúng tôi về nguồn gốc của “Cái chết đen” bắt nguồn từ Trung Á đã kết thúc những cuộc tranh luận dài hàng thế kỷ"

Con đường Tơ lụa là một tuyến đường bộ dành cho các đoàn lữ hành chở hàng hóa qua lại từ Trung Quốc đến nhiều thành phố xa hoa của Trung Á như thủ đô Constantinople của Đế quốc La Mã và Iran. Các tác giả cho rằng tuyến đường này cũng có thể đã khiến căn bệnh dịch hạch lan rộng vào thời điểm ấy, do nhiều đoàn lữ hành mang theo mầm bệnh.

Maria Spyrou, nhà sinh cổ học và tác giả chính của nghiên cứu thuộc Đại học Tübingen ở Đức cũng cho biết: "Đã có một số giả thuyết khác nhau cho rằng đại dịch có thể bắt nguồn từ Đông Á, cụ thể là Trung Quốc, hoặc ở Trung Á, Ấn Độ, hoặc thậm chí gần với nơi ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào năm 1346 là ở khu vực Biển Đen và Biển Caspi.”

"Chúng tôi cho rằng tuyến đường thương mại có khả năng là yếu tố quyết định sự lây lan của bệnh dịch hạch vào châu Âu trong thời kỳ đầu của đại dịch “Cái chết đen”. Có thể giả thuyết nói rằng quá trình lây lan của dịch bệnh đã diễn ra trong khoảng thời gian 2 năm 1338-1346 từ Trung Á đến Biển Đen", Spyrou nói thêm.

Cái chết đen là đại dịch chết chóc nhất từng được ghi nhận. Nhà sử học Slavin cho biết đại dịch có thể đã giết chết 50% đến 60% dân số ở các khu vực Tây Âu và 50% dân số ở Trung Đông, tương đương 50-60 triệu ca tử vong.

Bệnh dịch hạch gây ra tình trạng hạch bạch huyết sưng lên rồi rỉ máu và mủ, gây nhiễm trùng lan dần đến phổi. Bệnh này từng không thể chữa trị được trong giai đoạn trước đây, nhưng hiện đã có thể chữa khỏi bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục