Giải mã chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ

Việc thay đổi chiến lược châu Á-Thái Bình Dương bằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã phản ánh rằng Mỹ coi trọng và đánh giá cao tầm quan trọng cũng như những triển vọng của Ấn Độ.
Giải mã chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: Getty Images)

Tờ Thời báo Hoàn Cầu số ra ngày 7/8 đăng bài viết với tựa đề “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng giống một liên minh quân sự địa chính trị” của nhà nghiên cứu Long Hưng Xuân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ thuộc Đại học Sư phạm Tây Hoa (Tứ Xuyên) và cũng là nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Charhar.

Theo đó, kể từ nửa cuối năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức cấp cao khác của nước này thường xuyên đề cập đến khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” song lúc đó vẫn chưa phải là một chiến lược.

Cộng đồng quốc tế đã bị cuốn vào những đồn đoán liệu đây có phải là một chiến lược địa chính trị hay là một chiến lược địa kinh tế hay không.

Tới tháng 6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã sử dụng “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” trong những bình luận tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Điều này đã chỉ rõ rằng những kế hoạch của Mỹ nhằm xây dựng một liên minh quân sự địa chính trị hơn là một liên minh kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày 30/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có bài phát biểu với tựa đề “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ,” trong đó mô tả chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ không chỉ có những mục tiêu địa chính trị mà còn có cả những kế hoạch hợp tác địa kinh tế.

[Mỹ cần có bước đi hài hòa trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Trong khi ý nghĩa bao hàm địa chính trị của chiến lược này có thể dẫn tới những căng thẳng và xung đột tại khu vực, đặt nhiều quốc gia trong khu vực vào tình trạng báo động, thì khái niệm địa kinh tế này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực và cần được hoan nghênh chào đón.

Trong bài diễn văn, Ngoại trưởng Pompeo đã phân định rõ vùng địa lý của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhấn mạnh vị thế của Ấn Độ. Trong vòng một năm qua, ông Pompeo đã lần đầu tiên chỉ rõ chiến lược này trải dài từ “bờ biển phía Tây của nước Mỹ tới bờ biển phía Tây của Ấn Độ” về cơ bản vẫn là khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước đó cộng với các nước Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka và Maldives.

Trong bối cảnh Mỹ vẫn duy trì các mối quan hệ an ninh và kinh tế chặt chẽ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, việc thay đổi chiến lược châu Á-Thái Bình Dương bằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã phản ánh rằng Mỹ coi trọng và đánh giá cao tầm quan trọng cũng như những triển vọng của Ấn Độ.

Điều đó giải thích tại sao Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sau đó đã đưa Ấn Độ vào danh sách các quốc gia được cấp quy chế Quyền Thương mại Chiến lược-1 (STA-1), qua đó "thừa nhận mối quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ-Ấn" và có thể so sánh với các đồng minh NATO đáng tin cậy khác.

Như vậy, Mỹ sẽ nới lỏng kiểm soát các hoạt động xuất khẩu quốc phòng và các sản phẩm công nghệ cao khác sang Ấn Độ.

Cũng trong bài phát biểu trên, Ngoại trưởng Pompeo đã công bố khoản tài trợ trị giá 113 triệu USD cho các sáng kiến mới của Mỹ nhằm hỗ trợ các khu vực nền tảng trong khu vực. Mặc dù ông Pompeo khẳng định Mỹ đưa ra các sáng kiến này là không nhằm vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, song động thái này đã bị sáng kiến Vành đai và Con đường ảnh hưởng ở một mức độ nào đó.

Sau tất cả, hợp tác địa kinh tế vẫn tốt hơn so với cuộc cạnh tranh địa chính trị. Do những hoạt động đầu tư của Mỹ và Trung Quốc đều có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cả hai cũng có thể cùng nhau gây ra “tác dụng phụ.”

Một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở", như Mỹ từng đề cập, có điểm tương đồng với một sáng kiến Vành đai và Con đường cởi mở, bao dung và minh bạch của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Pompeo đã chỉ rõ rằng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" đồng nghĩa với việc Mỹ muốn tất cả các quốc gia "có thể bảo vệ chủ quyền của họ trước sức ép của các nước khác" và "để có thể tiếp cận tự do các tuyến đường biển và đường không.”

Trên thực tế, điều này nằm trong lợi ích của Trung Quốc - quốc gia có khối lượng thương mại và vận chuyển đường biển lớn nhất thế giới. Trên thực tế, Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, do Trung Quốc khởi xướng, chồng chéo nhiều với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về mặt địa lý.

Trung Quốc chủ trương ủng hộ tăng cường tham vấn, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích. Cảng Hambantota ở Sri Lanka và cảng Gwadar ở Pakistan - đều do các công ty Trung Quốc vận hành - hiện mở cửa cho các tàu thuyền đến từ bất kỳ quốc gia nào.

Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ đều chia sẻ mục tiêu thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối. Ông Pompeo cho biết Mỹ cam kết “kết nối để thúc đẩy chủ quyền quốc gia, hội nhập khu vực và sự tin cậy”, và phân bổ 113 triệu USD vào các quỹ mới ngay lập tức để mở rộng sự can dự kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước đó, Trung Quốc từng đề xuất Sáng kiến Vành đai và Con đường và thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) để hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng ở các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo AIIB, tới trước năm 2030, các nước đang phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần tới 26.000 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó không thể chỉ có 1 quốc gia đơn lẻ hay vài quốc gia đáp ứng được nhu cầu này.

Với mục tiêu chung này, tất cả các nỗ lực đều được hoan nghênh miễn là chúng có thể giúp thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực. Đó chính xác là lý do tại sao Ấn Độ quyết định gia nhập AIIB bất chấp những nghi ngại. Hiện nay, Mỹ có khả năng tài trợ lớn hơn cho hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực.

Các chính phủ và các công ty ở Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác có thể hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thúc đẩy phát triển kinh tế và chia sẻ những thành tựu.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ sẽ thiết lập "các thỏa thuận thương mại song phương tiêu chuẩn cao hơn và hữu hiệu hơn.”

Phần lớn các quốc gia đang phát triển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó gồm cả Ấn Độ, hiện không thể đáp ứng các tiêu chuẩn về tiếp cận thị trường, môi trường, lao động và quyền sở hữu trí tuệ.

Trong trường hợp như vậy, Mỹ có thể cộng tác với các nền kinh tế phát triển trong khu vực, như Nhật Bản, Australia và Singapore, để hướng tới mục tiêu trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục