Giải mã ký hiệu bí ẩn trên chiếc đĩa Hy Lạp cổ 4000 năm tuổi

Theo các nhà khoa học, chiếc đĩa đất nung Hy Lạp cổ 4000 năm tuổi chứa đựng lời cầu nguyện tới nữ thần tối cao của nền văn minh Minoa.
Giải mã ký hiệu bí ẩn trên chiếc đĩa Hy Lạp cổ 4000 năm tuổi ảnh 1Chiếc đĩa cổ Hy Lạp 4000 năm tuổi với những ký hiệu bí ẩn. (Nguồn: ibtimes.co.uk)

Các nhà khoa học đã giải mã được những ký hiệu trên một chiếc đĩa cổ có niên đại từ năm 1700 trước Công nguyên.

Chiếc đĩa có tên Phaistos được tìm thấy ở đảo Crete, vùng đất với nền văn minh phát triển đầu tiên ở châu Âu có khắc những ký hiệu kỳ lạ theo hình xoắn ốc.

Những ký hiệu này được cho là dạng chữ in đầu tiên trên thế giới, và đã khiến các nhà khảo cổ đau đầu về ý nghĩa của chúng trong nhiều năm qua.

Đến hôm nay, tiến sĩ Gareth Owens thuộc Viện giáo dục Công nghệ ở Crete tin rằng mình đã giải mã được ý nghĩa phía sau những ký hiệu và thông điệp của chiếc đĩa cổ.

Khắc trên mặt đĩa là 241 chữ tượng hình, tạo thành từ 45 ký hiệu khác nhau, bao gồm hình vẽ những người đàn ông đang chạy, những cái đầu đội vương miện lông chim, phụ nữ, trẻ em, động vật, chim chóc, côn trùng, dụng cụ, vũ khí và cây cối.

Tiến sĩ Owens cho rằng chiếc đĩa đất nung này chứa đựng một lời cầu nguyện tới nữ thần tối cao của nền văn minh Minoa.

Phát biểu tại Viện Giáo dục Công nghệ, Tiến sĩ Owens cho biết chiếc đĩa này được dành cho "một người mẹ."

"Từ đáng tin cậy và có ý nghĩa nhất chính là "mẹ", cụ thể là nữ thần mẹ của nền văn minh Minoa."

Tiến sĩ Owens tin rằng một chuỗi ký hiệu trên đĩa có thể đọc là I-QE-KU-RJA, với I-QE nghĩa là "người phụ nữ vĩ đại và vô cùng quan trọng". Trên đĩa còn có một từ khóa có thể đọc là AKKA, nghĩa là "người mẹ đang mang thai". Một mặt đĩa được dành cho một phụ nữ đang có thai, và mặt kia là cho một phụ nữ đang sinh nở.

Tiến sĩ Owens đã dành 6 năm nghiên cứu mật mã trên chiếc đĩa cùng một đồng nghiệp ở Đại học Oxford, và khẳng định rằng 90% ký hiệu trên một mặt đĩa đã được giải mã. Trong một bài giảng của mình, tiến sĩ Owens gọi chiếc đĩa cổ này là "đĩa CD-Rom" đầu tiên của người Minoa bởi hình dạng và những dữ liệu dạng mật mã phức tạp khắc trên đó.

"Chúng ta có thể gọi cái đĩa này là "Đĩa đất nung - Chỉ đọc tiếng Minoa" (Clay Disk - Read Only Minos, viết tắt là CD-ROM)."

Chiếc đĩa Phaistos này được các nhà khảo cổ người Italy phát hiện năm 1903 khi đang khai quật tại tàn tích lâu đài Phaistos của người Minoa ở phía nam đảo Crete.

Một số chuyên gia tin rằng đĩa Phaistos là một món đồ cổ giả mạo được làm bằng phương pháp hiện đại. Tiến sĩ Jerome M. Eisenberg, một trong những người tỏ ý nghi ngờ đã có bài viết trên tạp chí Minerva nói rằng chiếc đĩa được một chuyên gia làm giả trước khi được phát hiện.

Eisenberg tin rằng chiếc đĩa được làm ra để nâng cao danh tiếng của nhà khảo cổ Luigi Pernier, người đầu tiên phát hiện ra nó. Một số người khẳng định Pernier đã làm giả chiếc đĩa để cạnh tranh với những phát hiện của các đồng nghiệp như Arthur Evans tại Knossos./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục