Giải mã kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển của Hàn Quốc

Những câu chuyện và cách lý giải trong “Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc” đã cho thấy những góc nhìn, hình ảnh đa chiều về nhân vật đặc biệt này.
Giải mã kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển của Hàn Quốc ảnh 1(Ảnh: Alpha Books)

“Trong thời đại của chúng ta, Park Chung Hee là một trong số bốn ‘nhà sáng lập quốc gia’ đã đưa đất nước từ tình trạng hỗn loạn và đói nghèo tiến thẳng lên vị thế của một quốc gia hiện đại. Quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của một con người đặc biệt - Tổng thống Park Chung Hee.”

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã đánh giá như vậy về vai trò của vị tổng thống thứ ba của Hàn Quốc tại tọa đàm “Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc” và ra mắt cuốn sách cùng tên. Chương trình diễn ra sáng nay (12/11) tại Hà Nội.

Cuộc đời 62 năm chìm nổi của vị tổng thống này gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhiều thăng trầm của bán đảo Triều Tiên: giành độc lập từ phátxít Nhật, hai miền Nam-Bắc bị chia cắt, nội chiến khốc liệt, hòa bình lập lại nhưng kinh tế và chính trị suy sụp… Tiếp sau đó là những năm tháng đầy biến động của đảo chính và đàn áp dân chủ cùng quá trình phát triển kinh tế vượt bậc trong bối cảnh chạy đua vũ trang toàn cầu.

“Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, nếu không có ý chí quật cường, quyết tâm độc lập tự chủ cao, năng lực bảo vệ quyền lực vững chắc thì nhà lãnh đạo này đã không thể tổ chức bảo vệ an ninh quốc gia và xây dựng được nền kinh tế hiện đại ở Hàn Quốc,” tiến sỹ Đặng Kim Sơn bày tỏ.

Theo ông Rhee Jae Hoon (giáo sư trường Nghiên cứu Lãnh đạo Park Chung Hee và Saemaul kiêm Chủ tịch Hiệp hội Khu Công nghệ Hàn Quốc), vào thời điểm năm 1960, Hàn Quốc là một quốc gia nghèo trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người là 79 USD, 50% ngân sách quốc gia phụ thuộc vào nguồn viện trợ bên ngoài và được xếp vào danh sách những nước cần được viện trợ khẩn cấp hay quốc gia có nền kinh tế “đóng băng.”

Tuy nhiên, đến năm 2013, Hàn Quốc đứng thứ 14 trên thế giới về quy mô nền kinh tế, trở thành quốc gia độc lập hiếm hoi sau Chiến tranh Thế giới thứ hai gia nhập vào nhóm các nước có thu nhập bình quân đầu người đạt 20.000 USD (với tổng dân số 50 triệu người).

Giải mã kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển của Hàn Quốc ảnh 2Buổi tọa đàm diễn ra sáng 12/11. (Ảnh: BTC)

“Có thể nói rằng, để lý giải về sự phát triển nhảy vọt và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng như vậy của Hàn Quốc không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo của Tổng thống Park Chung Hee,” ông Rhee Jae Hoon bày tỏ.

Thực tế, kỷ nguyên Park Chung Hee là một đề tài gây ra nhiều tranh cãi ngay tại chính đất nước Hàn Quốc cũng như trên các diễn đàn quốc tế. Bản thân ông là một “khối mâu thuẫn.” Bên cạnh việc đưa lại sự phát triển vượt bậc về kinh tế, những chính sách và hành động của ông về chính trị và quân sự trong 18 năm cầm quyền cũng gây ra nhiều chống đối.

Tuy nhiên, “đặt trong bối cảnh Hàn Quốc thời kỳ đó, Park Chung Hee hội tụ đầy đủ các yếu tố của một nhà lãnh đạo chuyển đổi. Đó là khả năng dẫn dắt, lòng nhiệt huyết, năng lượng, tinh thần đối đầu với thử thách, đồng cảm, động lực, cống hiến, cam kết và tầm nhìn. Nhưng trên hết, cốt lõi trong phong cách lãnh đạo của Park Chung Hee vẫn là thuật dụng người,” ông Jae Hoon Rhee phân tích.

Với năm phần (“Sinh ra trong khủng hoảng,” “Chính trị,” “Kinh tế và xã hội,” “Quan hệ quốc tế,” và “Góc nhìn so sánh), cuốn sách đã cho thấy những góc nhìn, hình ảnh đa chiều về nhân vật đặc biệt này.

Nói khác đi, “Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc” (Kim Byung-kook và Ezra F. Vogel chủ biên) đã đề cập tới đề cập tới đầy đủ các mặt (kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao…) của Hàn Quốc cũng như kết hợp với việc nghiên cứu đối chiếu Hàn Quốc với các quốc gia khác (Nhật Bản, Trung Quốc…) trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Park Chung Hee và những di sản mà ông để lại.

Tổng thống Park Chung Hee nắm quyền lãnh đạo trong thời gian từ tháng 12/1963 đến khi bị ám sát vào ngày 26/10/1979.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Đại học Harvard xuất bản lần đầu tiên vào tháng 4/2011. Bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) phát hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục