Mega Story

Giải mã sức mạnh lực lượng đặc nhiệm quân khuyển

Việt Anh 18/04/2023 14:13

Nhiều nhiệm vụ phức tạp, tưởng chừng đi vào "ngõ cụt" đã được hoàn thành xuất sắc nhờ có sự đóng góp của những chú chó nghiệp vụ. Tuy nhiên, để huấn luyện được những "chiến sỹ bốn chân" ưu tú là cả một quá trình gian nan, vất vả.

bia-.png

Với lực lượng chiến sỹ Bộ đội Biên phòng, đội đặc nhiệm quân khuyển (chó nghiệp vụ) không chỉ là mũi tiến công đặc biệt, là phương tiện chiến đấu hiệu quả, mà còn là người bạn trung thành luôn kề vai sát cánh, cùng thực hiện những “trận đánh” quan trọng.

Vậy đâu là chìa khóa để mũi tiến công này hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và luôn là đội trinh sát đáng tin cậy trong mỗi lần ra quân?

Lần đầu tiên xuất quân quốc tế

Tìm kiếm xác định được 31 điểm có dấu hiệu sự sống, phát hiện 15 vị trí có nạn nhân trong đống đổ nát và đưa ra ngoài 38 nạn nhân (gồm 26 thi thể và 2 nạn nhân khả năng còn sống) - đó là thành quả của Đội sử dụng chó nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng Việt Nam gồm 76 chiến sỹ trong nhiệm vụ tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong 6 ngày (từ ngày 14/2 đến ngày 19/2/2023), triển khai nhiệm vụ tìm kiếm tại thành phố Antakya, thuộc tỉnh Hatay ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của nước sở tại và các đoàn quốc tế như Bahrain, Mexico..., sáu "chiến sỹ quân khuyển" của Trường trung cấp 24 Biên phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã trở thành những "trinh sát bốn chân" đánh hơi tìm kiếm vị trí có nạn nhân hoặc dấu hiệu sự sống.

Là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ với nhiều kinh nghiệm cứu hộ cứu nạn tại Việt Nam và đã tham dự các kỳ Hội thao quân sự quốc tế Army Games, sáu chú chó nghiệp vụ gồm ÊPy, Javo, Pokka, Or Tơ, Vat và Tôm Pa là những "vũ khí đặc biệt" của Bộ đội biên phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ lần này.

Trải qua quá trình tuyển chọn, sáu "chiến sỹ quân khuyển" thuộc hai giống chó Becgie Đức (năm chú chó màu đen vàng) và Malinois (một chú chó màu đen) là lực lượng đã tham gia nhiều nhiệm vụ tìm kiếm tại Việt Nam như cứu hộ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng-Thừa Thiên Huế; vụ sập Mỏ đá DIII công trình Thủy điện Bản Vẽ Tương Dương (Nghệ An); sạt lở ở Quảng Trị, sạt lở tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Đại Từ, Thái Nguyên), sạt lở ở Mai Châu (Hòa Bình) và đã tìm thấy nhiều thi thể bị chìm trong lòng đất.

Khởi nguồn từ hai chuyên ngành huấn luyện chó chiến đấu và huấn luyện chó canh gác bảo vệ mục tiêu, tính đến nay, nhà trường đã phát triển lên năm chuyên ngành huấn luyện, bao gồm: Chó chiến đấu; chó phát hiện ma túy; chó phát hiện chất nổ; chó tìm kiếm cứu nạn và chó giám biệt nguồn hơi, hỗ trợ công tác điều tra hình sự.

Tính đến hết năm 2022, Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã đào tạo được 102 khóa-lớp huấn luyện, với số lượng gần 3.000 huấn luyện viên và gần 3.000 chó nghiệp vụ.

Đánh giá về tầm quan trọng của những "trinh sát bốn chân" tại hiện trường, Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng nhấn mạnh:

Chó nghiệp vụ giám biệt nguồn hơi là công cụ, là phương tiện đặc biệt quan trọng giúp các lực lượng trinh sát có thêm căn cứ để xác định hướng điều tra của vụ án. Việc tìm ra nguồn hơi của đối tượng nghi vấn lẫn trong nhiều nguồn hơi khác nhau thông qua việc ngửi mẫu nguồn hơi ban đầu là cơ sở để lực lượng trinh sát nhanh chóng tìm ra thủ phạm, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại tá Nguyễn Quang Thuyên

Đại tá Nguyễn Quang Thuyên cũng khẳng định nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế là mục tiêu mà Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã, đang và sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới, bởi đây là vấn đề tất yếu trong thời kỳ hội nhập.

"Từ ngày đầu thành lập và trong suốt quá trình phát triển, nhà trường luôn quan tâm và triển khai thực hiện tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực như: Sinh sản, tạo nguồn gen, chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện chó nghiệp vụ và đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên...," đại tá Thuyên cho biết.

Quy trình 'nhập ngũ' khắt khe

Từ những ngày đầu thành lập, đào tạo huấn luyện viên và chó nghiệp vụ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ các mục tiêu kinh tế quan trọng, tìm kiếm cứu nạn... đã được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Trường Trung cấp 24 Biên phòng.

Chia sẻ về khâu tuyển chọn chó vào huấn luyện, Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ nhiệm Bộ môn huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn (Trường Trung cấp 24, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết những chú chó được lựa chọn đào tạo thành chó nghiệp vụ đều có nguồn gốc từ giống chó Berger Đức, Malinois Bỉ. Nhà trường chủ yếu nhập chó bố, mẹ về, sau đó tiến hành nhân giống tại trường.

Chó nghiệp vụ được tuyển chọn theo hai giai đoạn: Khi mới sinh, chó được lựa chọn theo các tiêu chí như ngoại hình đẹp, không có dị tật bẩm sinh, kêu-sủa tốt, linh hoạt trong các động tác...; giai đoạn hai là chó được nuôi dưỡng đến khoảng từ 3 đến 4 tháng tuổi, huấn luyện viên bắt đầu cho chó làm quen với dây cương, rọ mõm, tên gọi theo mã số.

Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa

Đến giai đoạn từ 10 đến 12 tháng tuổi, mỗi chú chó tiếp tục trải qua ít nhất 12 tháng tiếp theo để huấn luyện và đào tạo. Sau đó, nhà trường sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn chó để đưa vào huấn luyện chính thức theo từng chuyên ngành. Tùy theo khả năng, ngoại hình, thần kinh của từng con chó mà đưa vào huấn luyện những chuyên ngành phù hợp.

"Để tuyển chọn chó vào chuyên ngành giám biệt nguồn hơi và tìm kiếm cứu nạn, nhà trường tập trung tìm những chú chó hoạt bát, ham thích và hay cắp các đồ vật, hay có biểu hiện hít, ngửi để huấn luyện; những chú chó có thần kinh mạnh, linh hoạt và hay cắn, hay sủa sẽ được đưa vào đào tạo chuyên ngành chó chiến đấu... Như vậy, mỗi chú chó sẽ chỉ được học một chuyên ngành cho đến khi kết thúc khóa học," Đại úy Nghĩa chia sẻ.

Còn theo Đại úy Nguyễn Viết Linh, quá trình huấn luyện lâu dài tạo nên một mối liên kết ăn ý giữa chó nghiệp vụ và huấn luyện viên, từ đó tăng hiệu quả trong chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ.

z4272642644109_436e938405d07a554b45b69e95957e80.jpg
z4272642772655_dcc8b9aa2dd79764efe3dd46cd128438.jpg
z4272642948031_ebfb9e6e67c658e2954f6a738647907c.jpg
z4272643101388_c1b2e24f484a3a14a0d91f25c75db56b.jpg

"Đào tạo chó nghiệp vụ có những khó khăn riêng, bởi đặc tính của động vật không dễ tiếp thu như huấn luyện con người. Nhận một chú nghiệp vụ phải trải qua thời gian làm quen, vuốt ve yêu chiều, huấn luyện từ những quy tắc đơn giản đến phức tạp để rèn cho chó dần hình thành những thói quen. Riêng đối với Êpy, sau 5 năm huấn luyện, giờ đây 'đồng chí' này đã có thể hiểu những ám hiệu riêng của tôi. Trên thao trường, tôi không cần hô khẩu lệnh mà chỉ cần giơ và phất tay là Êpy sẽ tự tìm kiếm các vị trí và kêu sủa khi phát hiện thấy các điểm cần kiểm tra," Đại úy Nguyễn Viết Linh cho biết.

Nghĩa tình “thầy trò”

z4179506888262_e90d24147d9f6aef2d2e4be259554c01.jpg
Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng và chú chó Pokka - cặp "thầy trò" xuất sắc nhất trong chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát hiện 3 vị trí có nạn nhân, đưa được thi thể một người ra ngoài và hai vị trí còn lại bàn giao cho đơn vị sở tại lần lượt vào 11 giờ, 16 giờ 45 phút và 18 giờ (giờ địa phương) trong ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ 14/2, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, cán bộ Khoa tìm kiếm cứu nạn, Trường Trung cấp 24 Biên phòng và chú chó Pokka được đánh giá là cặp huấn luyện viên-chó nghiệp vụ xuất sắc nhất của lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong chuyến cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng nhau tham gia nhiều chuyên án trong những năm qua, cặp "thầy trò" của Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã bắt giữ nhiều đối tượng, thu giữ nhiều tang vật và vũ khí, điển hình như chuyên án 470 tại tỉnh Sơn La đã bắt giữ được hai đối tượng, thu giữ 50 bánh Heroin và hai súng quân dụng.

Gắn bó với nhà trường từ năm 2005 nhưng đây mới là lần đầu tiên Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng cùng chó nghiệp vụ Pokka thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

"Ngoài đồ dùng thiết yếu như túi ngủ, tất, giày, lương khô, mỳ tôm... cho cán bộ chiến sỹ, đội còn chuẩn bị áo chống rét, tất găng... cũng như các loại thực phẩm như thịt hộp, cám khô cho chó nghiệp vụ. Về huấn luyện, huấn luyện viên hướng dẫn chó tập luyện tại các điều kiện khắc nghiệt như địa hình rừng núi vào sáng sớm, nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình thực hiện tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ," Thiếu tá Hưởng chia sẻ.

Trải qua quá trình chuẩn bị và huấn luyện viên cẩn trọng là vậy, tuy nhiên tai nạn tại hiện trường là trường hợp hy hữu không may đã xảy ra với chú chó Pokka.

"Ngày thứ ba thực hiện nhiệm vụ, sau khi quay trở lại từ hiện trường ngổn ngang những thanh sắt nhọn, tôi phát hiện những vết máu trên đất và dáng đi bất thường của Pokka. Sau kiểm tra, đoàn xác định Pokka đã bị mảnh thủy tinh cứa sâu vào chân, vết đứt sâu và chảy nhiều máu. Tôi đã cùng cán bộ quân y sau đó đã tiến hành cầm máu và băng bó vết thương; sau khi trở về trại, tôi vệ sinh và bôi thuốc cho Pokka," Thiếu tá Hưởng cho biết.

Cũng bị chấn thương khi thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ là chú chó Êpy - "học trò" của Đại úy Nguyễn Viết Linh. Giống như Pokka và các bạn chó nghiệp vụ khác, được các "thầy" động viên và bồi dưỡng nhiều món khoái khẩu như xúc xích, thịt bò, giò, trứng vịt lộn...nên chỉ sau một ngày dưỡng thương, cả Pokka và Êpy đều nhanh chóng trở lại hiện trường để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

"Êpy có một đặc tính khá 'xấu' là... ham ăn. Thức ăn trong bát vẫn còn nhưng khi thấy đồ ăn mới trên tay các thầy là 'đồng chí' hau háu rồi nhảy chồm lên đòi món mới ngay," Đại úy Linh tâm sự.

z4160332009248_4b8d87b351883438cb88135ab5ee7f61.jpg
Hiện trường đầy đất đá, gạch vỡ... không thể làm khó các "chiến sỹ bốn chân."

Đánh giá về hiệu quả công việc, Pokka là "chiến sỹ" được các huấn luyện viên nhận xét có tính xông xáo và nhiệt tình nhất trong đội chó nghiệp vụ.

"Pokka 'nhập ngũ' năm 2018, khi mới lên 4 tuổi. Khi đối mặt với các dạng địa hình phức tạp và khó nhằn, Pokka luôn là mũi trinh sát sẵn sàng nhận nhiệm vụ đầu tiên," Thiếu tá Hưởng nhận xét.

Xông xáo và dũng mãnh trên chiến trường là thế nhưng trong đời sống sinh hoạt, Pokka vẫn "làm nũng" như một đứa trẻ với người giám hộ của mình - đặc biệt là mỗi khi Thiếu tá Hưởng thực hiện những nhiệm vụ dài ngày.

"Mỗi lần tôi trở về sau những chuyến công tác xa, hoặc vào những ngày thay đổi thời tiết là 'cu cậu' rất khó tính, nhảy chồm lên người rồi cào cấu, cắn yêu. Vì vậy mà tôi thường mua chục trứng vịt lộn để 'bù đắp' cho Pokka. Ngoài ra thì mỗi đợt nhà trường đón những đoàn khách tham quan, 'cu cậu' cũng rất ham vui đùa giỡn và biết tranh thủ để "làm nũng."

vnp_4.jpg
Cặp "thầy trò" luôn sát cánh bên nhau trong những nhiệm vụ quan trọng.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp huấn luyện, Đại úy Nguyễn Viết Linh kể lại:

Trong ngày đầu của chuyến công tác dài 20 ngày tại Cộng hòa Séc, tôi nhận được điện thoại của các đồng đội thông báo rằng Êpy đã rời chuồng và chạy thẳng đến phòng ở của huấn luyện viên - nơi cách chuồng chó khoảng 1km - để tìm 'thầy' vì không thấy tôi cho ăn. Sau đó 'cu cậu' cũng bỏ ăn mất hai ngày rồi các đồng đội của tôi mới dỗ được. Khi Êpy nhảy lên ôm chầm đón tôi trở về, cảm giác như một đứa con mừng bố về vậy.

Đại úy Nguyễn Viết Linh

"Trong ngày đầu của chuyến công tác dài 20 ngày tại Cộng hòa Séc, tôi nhận được điện thoại của các đồng đội thông báo rằng Êpy đã rời chuồng và chạy thẳng đến phòng ở của huấn luyện viên - nơi cách chuồng chó khoảng 1km - để tìm 'thầy' vì không thấy tôi cho ăn. Sau đó 'cu cậu' cũng bỏ ăn mất hai ngày rồi các đồng đội của tôi mới dỗ được. Khi Êpy nhảy lên ôm chầm đón tôi trở về, cảm giác như một đứa con mừng bố về vậy."

Trở về sau sứ mệnh nhân đạo tại một địa bàn xa xôi và nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong lễ tuyên dương Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn tại Hà Nội ngày 24/2 vừa qua, các cán bộ chiến sỹ tại Trường trung cấp 24 Biên phòng đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm nghiệm quý trong công tác huấn luyện. Với tinh thần trách nhiệm, đơn vị hướng đến mục tiêu chuẩn bị và hoàn thành tốt các nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phục vụ cho công tác trước mắt và lâu dài./.


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải mã sức mạnh lực lượng đặc nhiệm quân khuyển