Giải Nobel Kinh tế 2017: Sự lên ngôi của kinh tế học hành vi

Giải Nobel Kinh tế 2017 dành cho giáo sư người Mỹ Richard H. Thaler là sự ghi nhận của thế giới đối với tầm quan trọng của kinh tế học hành vi.
Giải Nobel Kinh tế 2017: Sự lên ngôi của kinh tế học hành vi ảnh 1Giáo sư Richard H. Thaler tại một sự kiện ở Chicago, bang Illinois, Mỹ ngày 9/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giải Nobel Kinh tế 2017 dành cho giáo sư người Mỹ Richard H. Thaler với công trình nghiên cứu về việc ứng dụng sự nắm bắt tâm lý con người vào lý thuyết kinh tế và trong việc ra các quyết định hay chính sách được đánh giá là sự ghi nhận của thế giới đối với tầm quan trọng của kinh tế học hành vi.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn nguồn của tờ Thời báo Tài chính Anh cho biết giáo sư Thaler là nhà kinh tế học hành vi, nằm trong nhóm các nhà kinh tế nghiên cứu việc ứng dụng những hiểu biết, sự nắm bắt về tâm lý hay nhận thức của con người vào việc xây dựng mô hình kinh tế.

Cuốn sách bán chạy trên toàn cầu "Nudge" (tạm dịch: Cú huých) mà giáo sư Thaler là đồng tác giả đã lý giải các vấn đề như việc nêu ra những yếu tố khuyến khích như thế nào để con người có các quyết định mang tính logic hay lý trí hơn.

Một ví dụ mà giáo sư Thaler thường hay nhắc đến là câu chuyện về chiếc bát hạt điều nhắm với đồ uống mà ông từng phục vụ tại các khách hàng vào bữa tối.

Quan sát cách các khách hàng "khoắng" sạch hạt điều đã khiến ông khi đó quyết định chuyển nó vào bếp để tránh làm các khách hàng khác cảm thấy mất ngon miệng. Về nguyên tắc, khách hàng có thể không tán thành việc này, song rốt cuộc họ vẫn vui lòng để món yêu thích của họ chuyển vào trong bếp.

[Nhà kinh tế học người Mỹ Richard Thaler giành giải Nobel Kinh tế 2017]

Hồi mới bước vào nghề, ông đã làm một danh sách “Những điều ngớ ngẩn mọi người thường làm” rồi dán lên chiếc bảng đen văn phòng.

Câu chuyện về chiếc bát hạt điều không thể thiếu trong danh sách này và một phần suy nghĩ ban đầu của ông Thaler là những điều hiển nhiên, nhỏ nhặt hàng ngày và thú vị. Tuy nhiên, chừng đó hoàn toàn chưa đủ để nó vượt ra ngoài kinh tế học truyền thống và trở thành một mô hình.

Tuy nhiên, giáo sư Thaler cũng hiểu rằng những điều nhỏ nhặt này có thể mang lại sự nắm bắt phân tích và chính sách quan trọng.

Theo lý thuyết, cú hích "Nudge" - một lý thuyết hiện đại nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng và xác định các vấn đề ảnh hưởng đến các quyết định tiêu dùng, việc thiếu thời gian, cộng thêm thói quen và quyết định không chuẩn xác cho thấy ngay cả khi có được phân tích về cách ăn uống lành mạnh thì người tiêu dùng vẫn có xu hướng lựa chọn bánh kẹp thịt và khoai tây chiên. Khi đói và vội thì đây là hai món ăn nhanh luôn được người tiêu dùng phương Tây lựa chọn.

Lý thuyết Nudge dựa trên thực tế rằng người tiêu dùng thường chọn những thứ dễ chọn nhất chứ không phải những lựa chọn khôn ngoan nhất.

Các cuộc khảo sát cho thấy nếu đặt thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn ở trên kệ bán hàng gần với tầm mắt của người mua thì sẽ tạo cú hích để người tiêu dùng mua hàng và doanh số bán hàng nhờ đó cũng tăng theo.

Trong lĩnh vực chính sách, ý tưởng nổi tiếng nhất của giáo sư Thaler là ứng dụng sự hiểu biết về hành vi vào chính sách lương hưu, chẳng hạn đăng ký tên người dân vào chương trình lương hưu một cách ngẫu nhiên và cho phép họ lựa chọn rút khỏi chương trình này.

Ý tưởng đó đã giúp tăng số người tham gia các chương trình lương hưu trong khu vực tư nhân từ 42% lên 73% trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2016.

Các nghiên cứu của giáo sư Thaler được đánh giá có tầm ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hình chính sách kinh tế trong những năm gần đây.

Ông là một trong số các cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và làm cố vấn cho Chính phủ Anh trong việc ứng dụng những ý tưởng của kinh tế học hành vi vào việc kiến tạo chính sách.

Giáo sư Thaler cũng cố vấn cho Chính phủ Thụy Điển cải thiện việc xây dựng hệ thống lương hưu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục