Giải pháp chôn sâu chất thải phóng xạ dưới lòng đất vẫn gây tranh cãi

Pháp, Đức, Phần Lan ủng hộ dự án "Cigéo" chôn chất thải phóng xạ giữa lớp đất sét đặc biệt sâu 500m dưới lòng đất, tuy nhiên có nhiều ý kiến phản đối dự án này.
Giải pháp chôn sâu chất thải phóng xạ dưới lòng đất vẫn gây tranh cãi ảnh 1Mô tả dự án Cigéo chôn chất thải phóng xạ. (Nguồn: french-nuclear-safety.fr)

Theo nhật báo Les Echos (Tiếng vang) của Pháp số ra mới đây, nhằm bảo vệ con người và môi trường lâu dài, từ 25 năm nay, nước Pháp đã nghiên cứu dự án "Cigéo" liên quan đến việc chôn chất thải phóng xạ dưới lòng đất.

Tuy nhiên, cho đến nay giải pháp này vẫn đặt ra nhiều tranh cãi.

Cách đây 10 năm, Quốc hội Pháp đã coi giải pháp an toàn nhất để lưu trữ rác thải phóng xạ - loại chất thải rất nguy hiểm và có thời gian tồn tại có thể lên tới hàng trăm nghìn năm - là chôn sâu loại rác thải này dưới lớp đất sét đặc biệt trong lòng đất.

Lớp đất sét nằm sâu 500 mét dưới mặt đất này được cho là rất ổn định, không thấm nước và có khả năng tiếp xúc với chất phóng xạ mà không bị ảnh hưởng.

Pháp không phải nước duy nhất ở châu Âu hay trên thế giới lựa chọn giải pháp này. Một dự án tầm quốc gia cũng vừa được Chính phủ Thụy Điển thông qua, trong khi Phần Lan đã sẵn sàng để chôn kiện chất thải phóng xạ đầu tiên vào năm 2020.

Nước Đức cũng hướng đến giải pháp chôn chất thải phóng xạ dưới lòng đất dù chưa tiến xa được như các nước lân cận.

Tuy nhiên, hôm 11/7, các nhà hoạch định dự án "Cigéo" lại trình lên Quốc hội Pháp để cơ quan lập pháp này thảo luận các khả năng cho phép các thế hệ tương lai được quyền quyết định điều chỉnh dự án cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

Trong khi đó, có nhiều ý kiến phản đối triển khai dự án này và hy vọng các nhà khoa học tương lai có thể tìm ra một giải pháp khác thuyết phục hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục