Giải pháp nào cho thâm hụt cán cân thương mại?

Tháng 6 là tháng thứ ba liên tiếp Việt Nam nhập siêu trở lại, bất chấp 3 tháng đầu năm xuất siêu, đã đẩy lượng nhập siêu trong 6 tháng đầu năm lên tới 2,1 tỷ USD.
Tháng 6 là tháng thứ ba liên tiếp Việt Nam nhập siêu trở lại, đẩy lượng nhập siêu trong 6 tháng đầu năm lên tới 2,1 tỷ USD.

Để tránh cho cán cân thương mại thâm hụt lớn, Bộ Công Thương đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Gỡ vướng cho xuất khẩu

Theo kế hoạch sau khi đã điều chỉnh, kim ngạch xuất khẩu (xuất khẩu) năm 2009 phải tăng 3%, tức là đạt 64,68 tỷ USD. Trong khi đó 6 tháng đầu năm mới đạt hơn 27,61 tỷ USD, bình quân là 4,6 tỷ USD/tháng. Tính ra 6 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu phải đạt trung bình gần 6,2 tỷ USD/tháng thì mới hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo Bộ Công Thương, nếu không có sự vào cuộc tổng lực của các bộ, ngành, địa phương, thì khó hiện thực hóa được kế hoạch.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân cho biết nhiều doanh nghiệp của hiệp hội phản ánh, nếu thủ tục hải quan thông thoáng, nhất quán hơn, thì sẽ giúp ích nhiều cho họ tăng tốc xuất khẩu. Bởi vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các quy định để tiếp tục giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cam kết Bộ sẽ phối hợp chặt hơn với Bộ Tài chính trong đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu, nhất là thủ tục hải quan, để tạo động lực cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu một số mặt hàng theo hướng hỗ trợ đối đa cho sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu và khẩn trương xây dựng đề án thí điểm “Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu” trình Chính phủ phê duyệt.

"Để rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp, ngoài việc sớm mở rộng các chi cục hải quan điện tử tại Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay, Tổng cục Hải quan đang tích cực chuẩn bị áp dụng mô hình hải quan điện tử tại 5 cục hải quan tỉnh, thành phố... Số còn lại sẽ sớm tiến đến mô hình hải quan điện tử", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết.

Nông, lâm, thủy sản là nhóm hàng có đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nên để góp sức vào mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp.

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, để gỡ khó cho xuất khẩu, Cục đang tăng cường tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều quy định mới về xuất khẩu vào các thị trường như Nga, EU, Braxin, Hàn Quốc. Ngành cũng bám sát các thị trường xuất khẩu, để xử lý kịp thời thông tin sai lệch về an toàn vệ sinh thực phẩm các sản phẩm thủy sản Việt Nam, giải quyết nhanh các lô hàng bị cảnh báo ở các thị trường nhập khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường mới cũng là biện pháp thiết thực để đẩy mạnh xuất khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân đề nghị Bộ Công Thương, nhất là thương vụ ở các nước hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hội chợ, quảng bá... để tăng đơn hàng trong 6 tháng còn lại của năm, trong đó cần lấy thị trường châu Á làm trọng điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  Diệp Kỉnh Tần, cùng với ráo riết triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, Bộ còn kết hợp với vận động quốc tế để tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tổ chức một loạt sự kiện xúc tiến thương mại để quảng bá hàng nông, lâm, thủy sản tại các thị trường: Nga, Đức, Trung Á.

Kiềm chế nhập siêu

Nỗ lực tăng trưởng xuất khẩu sẽ bị lu mờ nếu hai quý còn lại của năm nay tiếp tục lún sâu vào nhập siêu, khiến cán cân thương mại thâm hụt lớn. Tín hiệu nhập siêu đã được phát đi từ đầu quý hai, bởi vậy cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, việc kiềm chế nhập siêu cũng đang đặt ra nóng bỏng.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, đi liền với tạo thuận lợi tối đa nhằm khuyến khích xuất khẩu, bộ sẽ kiểm soát chặt khâu nhập khẩu nhằm giảm nhập siêu, trong đó tập trung đưa ra nhiều biện pháp để giảm nhập siêu các loại hàng tiêu dùng không thiết yếu. Cụ thể, cơ quan chức năng cần quản lý việc nhập khẩu bằng giấy phép tự động để kiểm soát nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng, tăng cường kiểm soát nhập khẩu thông qua chính sách thuế và phi thuế.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, tăng cường sử dụng các loại máy móc, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước đối với các dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, góp phần giảm nhập siêu.

Ngay cả những nhóm hàng cần thiết phải nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho rằng  cần áp dụng các công cụ điều tiết thị trường, để giảm cầu hợp lý./.

Tin cùng chuyên mục