Giải pháp nào để giảm container phế liệu ‘bỏ quên’ ở các cảng biển?

Đối với hàng hóa gây ô nhiễm, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Giải pháp nào để giảm container phế liệu ‘bỏ quên’ ở các cảng biển? ảnh 1Bãi tập kết container tại Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Cục Hàng hải Việt Nam vừa đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường kiếm soát hàng hóa container phế liệu nhập khẩu tại cảng biển.

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, chậm lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm gia tăng chi phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống.

[Hàng chục nghìn container ‘rác thải’ vẫn ‘thi gan” tại các cảng]

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước tại cảng biển cũng như tập trung xử lý, giải quyết các hàng hóa phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam, Cục Hàng hải đề nghị Cảng vụ hàng hải tăng cường phối hợp với cơ quan Hải quan, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng biển có liên quan, thực hiện kiểm tra tàu thuyền vận chuyển hàng hóa nhập khẩu là sắt, thép, nhựa, giấy đã qua sử dụng có mã số hàng hóa khác với mã số hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Cục Hàng hải yêu cầu doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu thống kê loại hàng, số lượng và kiến nghị cơ quan hải quan khẩn trương phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan.

[Hàng triệu tấn phế liệu đổ vào Việt Nam: Ngành hải quan than vướng]

“Trường hợp cơ quan hải quan và cơ quan quản lý về môi trường xác định hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì phối hợp với cơ quan hải quan và các đơn vị liên quan kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu tái xuất các lô hàng vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan năm 2014,” lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết.

Cụ thể, đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp không xác định được chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tảỉ hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền, cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan thực hiện tiêu hủy.

Ngoài ra, doanh nghiệp cảng biển chủ động phối hợp với cơ quan hải quan, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ các lô hàng phế liệu, thường xuyên thống kê, phân loại và phối hợp với hãng tàu, đại lý hãng tàu có kế hoạch xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển.

[Thủ tướng: Truy đến cùng các container phế liệu nhập khẩu vô thừa nhận]

Đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đến cảng chỉ tiến hành dỡ hàng hóa khỏi tàu khi hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng hàng xuất trình giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể của khách hàng kèm văn bản xác nhận ký quỹ cho cảng (nếu có).

Trường hợp lô hàng không có giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực, Cục Hàng hải đề nghị hãng tàu và đại lý hãng tàu chuyển cảng dỡ hàng cho lô hàng này về cảng khác ở nước ngoài trước khi tàu cập cảng, tránh làm phát sinh thời gian và chi phí cho các bên liên quan.

Trường hợp cần giải phóng hàng tồn đọng ra khỏi khu vực cảng tránh gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa tại cảng biển, doanh nghiệp cảng chủ động phối hợp chặt chẽ với hãng tàu, đại lý hãng tàu và các bên liên quan kiến nghị cơ quan hải quan cho chuyển các lô hàng phế liệu nhập khẩu đã lưu bãi trên 30 ngày và các lô hàng lưu bãi trên 90 ngày (hàng hóa không có chứng từ hợp lệ, hàng tồn đọng) về các khu vực kho, bãi khác.

Bên cạnh đó, hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu tăng cường kiểm soát chặt chẽ giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu; kịp thời cung cấp thông tin tên hàng hóa, mã hàng hóa trong danh sách hàng hóa dỡ khỏi tàu cho doanh nghiệp cảng biển; phải khaỉ rõ thông tin tên hàng, cảng đích đến trên vận đơn và trên hệ thống tiếp nhập thông tin điện tử.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục