Giải pháp tiếp tục phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ triển khai các biện pháp huy động nguồn lực trong nước và ngoài nước nhằm gia tăng đầu tư cho ngành.
Giải pháp tiếp tục phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ ảnh 1Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Làm như thế nào để phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế-xã hội, động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước, biến các nội dung về phát triển khoa học và công nghệ trong các Nghị quyết Đại hội Đảng IX, X và XI thành hiện thực? khoa học và công nghệ sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tìm lời giải cho vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân về các giải pháp tiếp tục phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ trong thời gian tới.


- Thưa Bộ trưởng, tỷ lệ 2% của tổng chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ đang thấp so với một số lĩnh vực, vậy Bộ có giải pháp gì để thu hút đầu tư cũng như nâng cao tiềm lực khoa học quốc gia trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Giai đoạn 2011-2015, tổng chi ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ ở mức 2%, vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng chi so với một số lĩnh vực khác như giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, các hoạt động kinh tế.

Kinh phí sự nghiệp khoa học từ ngân sách Trung ương và địa phương được tập trung dành cho các hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ, chủ yếu được dành cho chi hoạt động thường xuyên, phần còn lại được dành cho chi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh.

Hoạt động khoa học và công nghệ mang tính đặc thù; tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ, đội ngũ cán bộ hiện chưa đủ mạnh để tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm khoa học và công nghệ có chất lượng, đến ngưỡng để có thể thương mại hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp.

Thêm vào đó, sự gắn kết giữa viện, trường và doanh nghiệp còn yếu dẫn đến các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn độc lập, chưa bám sát thực tiễn, chưa xuất phát từ nhu cầu của thị trường.

Để thúc đẩy cũng như thu hút đầu tư cho khoa học và công nghệ, Bộ đã triển khai các biện pháp huy động nguồn lực xã hội trong nước và nguồn vốn nước ngoài nhằm gia tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ thông qua việc thực thi cơ chế hợp tác công-tư, đồng tài trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ, hình thành và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Bộ cũng đẩy mạnh các nhiệm vụ nghiên cứu theo Nghị định thư và Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương, đa phương và khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.

Tiếp tục xây dựng một số tổ chức khoa học và công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST). Triệt để khai thác có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài để phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó dành trọng tâm cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ khởi nguồn, khởi nghiệp, các cơ sở ươm tạo công nghệ, chuyển đổi hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thông qua D ự án “Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST,” Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan (IPP) …

- Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển thị trường... nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp chỉ bằng 43% mức năng suất lao động trung bình các nước ASEAN. Vì vậy, những năm qua, cùng với các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020,” theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Y tế, Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai các dự án nâng cao năng suất và chất lượng trên cả nước.

Hiện nay, hệ thống TCVN đã có hơn 8.100 TCVN cho 98 lĩnh vực, với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 43%. Qua đó, khẳng định hệ thống TCVN ngày càng được hoàn thiện cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ; cơ bản đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước, phục vụ nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các nhóm sản phẩm, hàng hóa. Các tổ chức, doanh nghiệp được biết và hiểu đúng về nội dung tiêu chuẩn, quy chuẩn, về lộ trình thực hiện, giúp doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và có những đầu tư, quan tâm đúng mức hơn cho công tác tiêu chuẩn hóa.

Cùng với việc xây dựng văn bản pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt, triển khai nhiều nhiệm vụ về nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm, xây dựng các mô hình điểm về cải tiến năng suất chất lượng và thúc đẩy việc nhân rộng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tại các tổ chức và doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2014, đã có hơn 1.200 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến. Việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp cụ thể để thúc đẩy nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp, Bộ cũng chú trọng thúc đẩy phát triển và ứng dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả khoa học và công nghệ và hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 10/5/2011. Dựa trên số liệu thống kê và tính toán của 13 chỉ tiêu trong giai đoạn 2011-2014, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trung bình năm đạt 10,68% cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu đề ra từ 10-15%/năm trong giai đoạn 2011-2015 của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.

Nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia chính thức đi vào hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có các hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Quỹ là kênh tài chính quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp đổi mới công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế.

- Sau gần 5 năm triển khai thực hiện kết nối cung cầu - công nghệ, kết quả hiện nay như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ Khoa học và công nghệ đều tổ chức đánh giá, xác định nhu cầu công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp và định kỳ hàng năm tổ chức các hoạt động kết nối cung-cầu. Đến nay, hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ đã được tổ chức tại 6 vùng: Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Bắc Bộ và Nam Trung Bộ-Tây Nguyên.

Sau gần 5 năm thực hiện kết nối cung cầu - công nghệ, đơn vị chức năng của Bộ đã khai thác thông tin của hơn 500 công nghệ trong nước và nước ngoài để tư vấn, chuyển giao cho các tổ chức, doanh nghiệp tại 53 tỉnh/thành phố.

Các lĩnh vực công nghệ được tư vấn chuyển giao gồm công nghệ sinh học; công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; công nghệ vi sinh vật bảo vệ cây trồng; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch; công nghệ sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; công nghệ xử lý môi trường vùng nông thôn, phòng chống bão lụt; công nghệ tiết kiệm năng lượng; công nghệ vật liệu mới; công nghệ phục vụ nông nghiệp.

Qua các năm tổ chức kết nối cung-cầu công nghệ, ngay tại thời điểm diễn ra sự kiện đã tư vấn và hỗ trợ để ký kết trực tiếp nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ và thỏa thuận hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, với giá trị ký kết khoảng 500 tỷ đồng.

Thông qua các hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ từ năm 2011-201, đã có 869 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết và thực hiện với giá trị đạt khoảng 1.420 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số các hợp đồng chuyển giao công nghệ, có 8 hợp đồng chuyển giao công nghệ sang Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Lào… về các giống lúa, rau màu và phân bón vi sinh.

Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới hoạt động kết nối cung cầu - công nghệ để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường công nghệ, đặc biệt trong hỗ trợ phát triển các định chế trung gian về tư vấn, môi giới, đánh giá và định giá, chuyển giao công nghệ./.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục