"Giải phẫu" đường lún

“Giải phẫu” trồi, lún nền mặt đường tuyến Quốc lộ

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản báo cáo “mổ xẻ” các nguyên nhân xuất hiện trồi, sụt lún nền mặt đường các tuyến Quốc lộ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải “mổ xẻ” các nguyên nhân hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa ở các tuyến Quốc lộ trên toàn quốc. Văn bản này đồng thời cũng đưa ra các giải pháp khắc phục tổng thể và triệt để bằng cách kiểm soát chặt tải trọng xe, “soi” lại chất lượng nhựa đường nhập khẩu, công tác thiết kế và thi công. Nhựa nhập khẩu nhiều nguồn, ai kiểm soát? Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra khá phổ biến trên phạm vi cả nước thời gian gần đây, trên nhiều tuyến Quốc lộ ở cả nước như: Quốc lộ 1A, 5, 3, Đại lộ Đông Tây. Thậm chí, vị trí lún đường còn xuất hiện ở ngay cả các dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng 6-8 năm như Quốc lộ 1A thuộc dự án WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Châu Á)... hay những dự án vừa đưa vào khai thác, sử dụng (Quốc lộ 1A đoạn qua Hà Nam, Thanh Hóa, BOT tuyến tránh Phan Rang-Tháp Chàm...; các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách Nhà nước, BOT hay vốn ODA; trên mặt đường hay trên mặt cầu (cầu Thanh Trì, mặt cầu vượt bằng thép tại Thành phố Hồ Chí Minh...). Kết quả khảo sát, thống kê thực tế trên hệ thống đường Quốc lộ của Tổng cục Đường bộ cho thấy, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe chủ yếu tập trung trên các tuyến Quốc lộ có lưu lượng, tải trọng xe chạy lớn (Quốc lộ 1, 3, 5, 7,...), các vùng có thời tiết nắng nóng (khu vực miền Trung), các vị trí có đặc điểm đặc biệt như: gần trạm thu phí, đèo dốc, đường cong, đèn tín hiệu giao thông, trạm kiểm tra của cảnh sát giao thông... Điển hình, tại Khu Quản lý Đường bộ IV, đoạn Quốc lộ 1A từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế, hiện tượng vệt lún bánh xe, trồi lún sống trâu khoảng trên 70km/620 km (chiếm 13%), đoạn Đà Nẵng-Khánh Hòa hơn 90Km/593 km (chiếm 15%), đoạn Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng hơn 16Km/245km (chiếm 7%)... Lý giải cho thực trạng này, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, đường lún hằn vệt bánh xe là do nhiều nguyên nhân về chất lượng các lớp bê tông mặt đường (yếu tố vật liệu nhựa, cốt liệu, chất lượng thi công, giám sát...); lưu lượng, tải trọng xe và cường độ vận chuyển; nhiệt độ cao ứng với khu vực đặc trưng; công tác quản lý, khai thác và bảo trì. Theo ông Phạm Quang Vinh, một trong những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường bê tông nhựa là do quá trình biến đổi khí hậu, sự xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan (thời tiết nắng nóng bất thường, nhiệt độ cao, kéo dài ở khu vực miền Trung). [Khắc phục tình trạng hư hỏng đường bêtông nhựa] “Nhiệt độ cao nhất trên bề mặt đường nhựa có thể lên tới 70 độ C về mùa nóng và thấp nhất xuống tới 2 độ C về mùa lạnh. Mặt đường bê tông nhựa làm việc trong điều kiện nhiệt độ trên bề mặt biến thiên khá lớn theo mùa (2-70 độ C) và tần suất xuất hiện nhiệt độ cao trên bề mặt là rất đáng kể, có khi kéo dài tới 5-6 giờ liền trong một ngày, kết hợp với các nguyên nhân khác đã làm giảm độ ổn định của lớp bê tông nhựa,” ông Vinh đánh giá. Bên cạnh đó, ông Vinh cũng chỉ ra thực trạng lún nền đường, trong thời gian gần đây, trên các tuyến đường quốc lộ, đường trục chính ở phía Bắc cũng như ở phía Nam đã có sự gia tăng rất lớn lưu lượng của các xe tải trọng nặng vượt quá giới hạn cho phép (cả về tải trọng trục, tổng tải trọng) dẫn đến tình trạng mặt đường nhanh chóng xuống cấp, bị  như nứt, lún vệt bánh xe, trồi nhựa... Đề cập đến việc nền, móng, mặt đường bê tông nhựa có đảm bảo chất lượng, vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho rằng, theo các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, hầu hết đường lún do xảy ra do hỗn hợp bê tông nhựa kém chất lượng không đủ khả năng kháng vệt hằn bánh xe gây nên. “Hiện nay, công tác thiết kế áo đường mềm còn chưa thực sự phù hợp bởi hầu như các kết cấu áo đường hiện nay thường được sử dụng giống nhau trên toàn tuyến mà chưa chú ý tới đặc điểm khí hậu tuyến đường khai thác, không chú trọng xem xét điều chỉnh chiều dày kết cấu, loại bê tông nhựa phù hợp,” ông Vinh thừa nhận.
“Giải phẫu” trồi, lún nền mặt đường tuyến Quốc lộ ảnh 1
Chất lượng nhựa đường là một trong nguyên nhân gây trồi, lún mặt đường. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bổ sung thêm về vấn đề này, qua số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài chính) cho thấy, hiện Việt Nam nhập khẩu nhựa đường với số lượng lớn, từ trên 10 quốc gia trên thế giới. “Điều đáng lo ngại là không có cơ quan đơn vị nào được giao kiểm soát chất lượng nhựa nhập khẩu. Hơn nữa, việc kiểm soát chất lượng nhựa, nguồn gốc, xuất xứ nhựa đường gặp khó khăn do các nhà cung cấp thường nhập khẩu nhựa có nguồn gốc khác nhau và lưu chung vào bồn chứa tại kho, cảng; công tác thí nghiệm xác định các chỉ tiêu cơ lý của nhựa để kiểm soát chất lượng cũng không được thực hiện đầy đủ, thường chỉ căn cứ vào chứng chỉ của nhà sản xuất,” ông Vinh chỉ ra bất cập. Ngoài ra, vị Phó Tổng cục trưởng này cũng bày tỏ quan điểm, mặt đường mới đưa vào khai thác đã xuống cấp cũng cần phải đặt câu hỏi với đơn vị tư vấn giám sát đã kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình, quy phạm của nhà thầu thi công đã đảm bảo chất lượng hay chưa? “Siết” tải trọng xe, “soi” nhựa đường nhập khẩu Nhằm khắc phục triệt để hiện tượng trồi, sụt lún nền mặt đường, Tổng cục Đường bộ đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó nhấn mạnh đến việc kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe, chất lượng nhựa đường và công tác thi công, thiết kế. Theo đó, Tổng cục đã chỉ đạo các Khu Quản lý Đường bộ chủ yếu cho san gạt, tiến hành láng nhựa 3 lớp để tạo độ bằng phẳng, êm thuận đảm bảo giao thông. “Một số đoạn được bù phụ bằng đá dăm nhựa hoặc bê tông nhựa nguội, thi công thí điểm thảm lại mặt đường bằng bê tông nhựa Polime thì chất lượng có được cải thiện hơn. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả cần phải có thêm thời gian,” Tổng cục Đường bộ cho biết. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng tiếp tục triển khai đồng bộ hệ thống các trạm cân di động và cố định để kiểm soát và ngăn ngừa các xe quá khổ, quá tải, siêu trường, siêu trọng trên các tuyến Quốc lộ, trục chính và có các nghiên cứu cụ thể hóa được tác động của hiện tượng quá tải tới tuổi thọ của mặt đường.
[Xe quá tải: “Siết” khâu đăng kiểm, tăng chế tài phạt]
“Các đơn vị cần rà soát lại các quy trình, quy phạm về thiết kế áo đường mềm, thi công, nghiệm thu mặt đường phù hợp các quy trình thi công, nghiệm thu, thí nghiệm; xem xét sử dụng loại bê tông nhựa có khả năng kháng hằn lún đường cao,” Tổng cục chỉ đạo. Liên quan đến việc kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm nhựa đường phục vụ cho sản xuất bê tông nhựa trong phạm vi cả nước, Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan có cơ chế phối hợp hiệu quả trong việc kiểm soát chất lượng nhựa nhập khẩu, cung cấp cho thị trường Việt Nam. Để nâng cao trách nhiệm, vai trò của đội ngũ tư vấn giám sát và Ban Quản lý Dự án trong việc theo dõi, quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, Tổng cục Đường bộ cũng cam kết sẽ quyết liệt việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu về chất lượng thiết kế (lựa chọn loại kết cấu áo đường), quá trình sản xuất bê tông nhựa (kiểm soát chặt chẽ thành phần cốt liệu, loại nhựa, bột đá, trạm trộn...), thi công kết cấu mặt đường bê tông nhựa (kiểm soát nhiệt độ rải, lu lèn...). Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Vinh, để khắc phục các nguyên nhân nêu trên, các đơn vị liên quan cần lập Đề án nâng cao năng lực cán bộ tham gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông thuộc tất cả các chủ thể quản lý, giám sát, xây dựng (chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu), trong đó cần chú trọng đến công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ đáp ứng năng lực yêu cầu./.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục