Giải quyết tranh chấp lao động: Đình công đang là "vũ khí" đầu tiên

Bộ Luật Lao động năm 2012 đã có những quy định cụ thể về trình tự tổ chức đình công và hơn 3 năm luật có hiệu lực đã diễn ra khoảng 1.000 cuộc đình công nhưng vẫn không có cuộc đình công nào hợp pháp.
Giải quyết tranh chấp lao động: Đình công đang là "vũ khí" đầu tiên ảnh 1Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ khi có Luật Lao động năm 1994 đến nay đã có khoảng 6.000 cuộc đình công diễn ra nhưng không có cuộc đình công nào được coi là hợp pháp. Ngay cả khi Bộ Luật lao động năm 2012 đã có những quy định cụ thể về trình tự tổ chức đình công và trong hơn 3 năm luật có hiệu lực đã diễn ra khoảng 1.000 cuộc đình công, nhưng vẫn không có cuộc đình công nào hợp pháp.

Phóng viên VietnamPlus đã có buổi phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân để lý giải về nguyên nhân của những cuộc đình công “bất hợp pháp” và những thay đổi sắp tới về quy định giải quyết tranh chấp lao động trong lần sửa Bộ Luật Lao động năm 2012.

- Xin ông cho biết, nguyên nhân tại sao có hàng nghìn cuộc đình công diễn ra nhưng chưa có cuộc đình công nào diễn ra theo đúng quy trình của luật pháp quy định?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Trong các vấn đề về quan hệ lao động thì chương 14 về giải quyết tranh chấp lao động là chương mà Quốc hội, các chuyên gia đưa ra rất nhiều trao đổi, tranh luận trước khi lựa chọn phương án cuối cùng quy định thành luật. Nhưng rất tiếc cho đến hiện nay chưa có cuộc đình công nào theo đúng quy trình.

Chúng ta tôn trọng quyền đình công của người lao động nhưng trong quan điểm của bộ luật hiện nay là phải cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, hòa giải trọng tài đến tòa án, nếu không được thì đình công. Quan điểm của luật thì đình công là "vũ khí" cuối cùng của người lao động. Khi xảy ra đình công người lao động bị thiệt, doanh nghiệp bị thiệt và môi trường đầu tư cũng bị thiệt.

Trên thực tế thì người lao động lại coi đình công là "vũ khí" đầu tiên, không qua thương lượng, không đối thoại. Khi xảy ra tranh chấp là đình công, sau đó địa phương sẽ hình thành tổ công tác đến hỗ trợ thương lượng, giải quyết đình công. Vì vậy, hiện nay đình công được coi là con đường ngắn nhất để người lao động đáp ứng được nguyện vọng.

- Vậy phải làm thế nào giải quyết được mẫu thuẫn giữa những quy định của luật và tình hình thực tế?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Đây là mâu thuẫn về quan điểm mà hiện nay chúng tôi cũng đang phân tích. Ở các nước phát triển, người ta cố gắng giải quyết các vấn đề tranh chấp lao động thông qua hòa giải thương lượng, khi không được rồi thì biện pháp cuối cùng là đình công. Ở Việt Nam, quan hệ lao động mới đang ở bước đầu, người lao động vẫn sử dụng đình công là "vũ khí" đầu tiên.

Vấn đề này đang cần tính toán đưa ra phương án hợp lý để luật được thực hiện tốt hơn trong thực tiễn, chứ hiện nay luật và ngoài thực tiễn diễn ra khác nhau.

Giải quyết tranh chấp lao động: Đình công đang là "vũ khí" đầu tiên ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Một cuộc đình công muốn diễn ra theo đúng trình tự pháp luật phải mất hơn 20 ngày, liệu đây có phải là lý do khiến các cuộc đình công không thể diễn ra theo đúng quy trình không thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Đó là quy định của luật nhưng trong thực tế hiện nay các cuộc đình công diễn ra trong khoảng 2,5 ngày.

Khi xây dựng luật, các chuyên gia cho rằng phải hòa giải, hòa giải không được thì đưa ra trọng tài, trọng tài không hòa giải được thì phân ra đình công về quyền hay về lợi ích thì đưa ra tòa án và cuối cùng là tổ chức đình công. Đây là quy trình rất dài, trong lần sửa Bộ Luật Lao động năm 2012 sắp tới, các chuyên gia đang hiến kế là có bước hòa giải, có bước trọng tài nếu hòa giải không được thì người lao động có thể đình công ngay không theo trình tự hiện tại mà rút ngắn lại. Tuy nhiên, rút ngắn quy trình đình công cũng là vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp.

- Có ý kiến cho rằng luật cần quy định trình tự khác nhau trong các trường hợp đình công về quyền và đình công về lợi ích vì mâu thuẫn về quyền người lao động có thể chờ được, nhưng mẫu thuẫn về lợi ích người lao động không thể chờ được, ông có nhận định gì về ý kiến này?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Về lý thuyết, nếu quy định tách ra được tranh chấp lao động về quyền và lợi ích thì tốt hơn. Cái gì về mâu thuẫn về quyền thì có thể do giải thích khác nhau, hiểu khác nhau nên thực hiện quy định không đúng. Còn tranh chấp lao động về lợi ích thì là những gì thỏa thuận cao hơn, phát sinh từ thực tế dẫn tới đình công.

Tuy nhiên trong thực tiễn, rất khó có thể phân định được hai loại tranh chấp này khi xảy ra đình công. Ban đầu có thể là đình công về lợi ích nhưng sau đó lại chuyển thành đình công về quyền. Nếu tách ra để xử lý tranh chấp lao động về quyền và tranh chấp lao động về lợi ích là đúng, nhưng thực tiễn thì không có cuộc đình công nào chỉ nguyên về quyền hoặc nguyên về lợi ích mà nó đan xen lẫn nhau.

- Như ông đã nói, việc rút ngắn quy trình đình công có thể sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu người lao động không qua hòa giải, thương lượng mà đình công ngay, vậy quan điểm của bộ như thế nào về mẫu thuẫn này?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Luật Lao động ban hành từ năm 1994 nhưng đến năm 2006 mới bắt đầu xảy ra đình công công nghiệp. Đình công mới xảy ra được 10 năm và cần một quá trình chuyển đổi nhận thức của cả ba bên: Người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo tôi, quan trọng nhất là phải hình thành được cơ chế đại diện. Người lao động lựa chọn được tổ chức đại diện và tổ chức công đoàn phải mạnh lên để tăng cường đối thoại, thương lượng trong doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước cũng phải cố gắng hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, những mâu thuẫn thông qua đối thoại, thương lượng thường xuyên hơn.

Quan điểm của chúng tôi đình công là vũ khí cuối cùng, khi hai bên không ngồi lại thương lượng được, không nói chuyện được với nhau, các bên dùng các cơ chế hỗ trợ không giải quyết được. Còn nếu chúng ta tạo thuận lợi cho đình công thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến doanh nghiệp vì chi phí tăng lên, người lao động cũng mất việc làm, không có thu nhập.

- Xin cảm ơn ông!

Theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012, cuộc đình công hợp pháp phải có phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể và trong phạm vi quan hệ lao động; được những người lao động làm việc tại doanh nghiệp tiến hành trong phạm vi doanh nghiệp đó.

Đình công được thực hiện sau thời hạn 5 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được; hoặc sau thời hạn 3 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn cấp trên (nếu chưa có công đoàn cơ sở) tổ chức và lãnh đạo. Đình công phải diễn ra theo trình tự 3 bước: Lấy ý kiến tập thể lao động; ra quyết định đình công; tiến hành đình công.

Khi tiến hành lấy ý kiến, nếu có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý, Ban chấp hành công đoàn sẽ ra quyết định đình công và gửi quyết định cho người sử dụng lao động ít nhất 5 ngày trước ngày bắt đầu đình công. Nếu đến thời điểm bắt đầu đình công, người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì cuộc đình công được tiến hành.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục