Giải quyết tranh chấp tốt nhờ trọng tài thương mại

Nếu được "thiết kế" tốt, Luật Trọng tài thương mại sẽ là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp có thêm lựa chọn khi giải quyết tranh chấp.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+ nhân sự kiện dự án Luật trọng tài thương mại được kỳ họp thứ  6, Quốc hội khóa XII đưa ra thảo luận, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiêm Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh: Nếu được "thiết kế" tốt thì Luật trọng tài thương mại sẽ là công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp có thêm một kênh lựa chọn khi giải quyết tranh chấp.

Với tư cách là cố vấn cho dự án Luật trọng tài thương mại và đang công tác trong môi trường đại diện cho nhiều doanh nghiệp, xin ông cho biết ý kiến về sự cần thiết khi ban hành luật này?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Đây là lần đầu tiên dự án Luật Trọng tài thương mại được xây dựng và đưa ra Quốc hội thảo luận. Trong lịch sử pháp luật Việt Nam, trước đây chỉ có Nghị định về Trọng tài thương mại và sau đó được nâng lên thành Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.

Theo tôi, nếu được "thiết kế" tốt thì Luật trọng tài thương mại sẽ là công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp có thêm một kênh lựa chọn khi giải quyết tranh chấp.

Khi chúng ta xây dựng dự án Luật này tương thích với Luật trọng tài thương mại quốc tế thì không những thu hút các doanh nghiệp trong nước mà còn là tín hiệu tốt về việc pháp luật Việt Nam luôn được bổ sung, hoàn thiện để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm việc và đầu tư, buôn bán.

Luật Trọng tài thương mại cần quan tâm đến vấn đề gì, bởi lẽ doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quen với giải quyết bằng trọng tài, thưa ông?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Mặc dù thời gian qua, số vụ giải quyết tranh chấp chưa nhiều, nhưng xu hướng thì lại đang tăng lên. Qua khảo sát, đã có nhiều doanh nghiệp hiểu về tầm quan trọng của trọng tài thương mại, dẫn đến việc số lượng điều khoản sử dụng yếu tố trọng tài thương mại xuất hiện trong các hợp đồng của họ ngày càng nhiều hơn.

Theo tôi, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có ưu thế hơn so với giải quyết các tranh chấp theo cách thông thường bởi tính linh hoạt của nó. Các bên có quyền tự do rất cao trong việc hình thành thủ tục tố tụng trọng tài, giải quyết dứt điểm một lần và có quyền tự do chọn lựa trọng tài viên phù hợp với bản chất sự việc.

Bên cạnh đó, trong một số vụ tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài thì có thể lựa chọn luật để xét xử, lựa chọn ngôn ngữ để xét xử, thậm chí lựa chọn cả trọng tài viên nước ngoài để xét xử.

Với ưu thế đó, nếu tuyên truyền tốt và có sự hỗ trợ tốt từ phía tòa án, đi kèm với việc xây dựng đội ngũ trọng tài viên tốt thì nhà nước sẽ đưa ra được nhiều phương thức cho doanh nghiệp lựa chọn hơn đồng thời giảm tải được áp lực công việc của phía tòa án.

Vậy làm sao để Luật trọng tài thương mại thực sự đi vào cuộc sống, nếu không, doanh nghiệp sẽ lại không mặn mà giống như các văn bản dưới luật trước kia?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Nghị định về Trọng tài thương mại trước đây qui định, nếu một bên không chấp nhận thi hành, thì bên kia có quyền kiện ra tòa, do vậy những hành động trước đây chủ yếu chỉ là tập dượt. Còn với Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 thì coi trọng tài là trung tâm, nhưng lại qui định quá nhiều quyết định để hủy nó và các quyết định ở tòa án quy định để hủy tương đối tùy tiện nên các doanh nghiệp có thể hồ nghi về các quyết định của trọng tài.

Dự thảo Luật Trọng tài thương mại đã có qui định chặt chẽ hơn để khả năng lạm dụng việc hủy các quyết định trọng tài ít xảy ra. Lần này, quyết định của trọng tài thương mại cũng là chủ động và trong Pháp lệnh thi hành án cũng đã có qui định rõ rằng quyết định của trọng tài thương mại là phải thi hành. Do vậy, nếu làm tốt được điều này, nghĩa là tòa án không hủy quyết định của trọng tài thương mại một cách tùy tiện và cơ quan thi hành án sẽ phải nhanh chóng thi hành.

Các doanh nhân, doanh nghiệp lựa chọn trọng tài thương mại cũng giống như việc lựa chọn các hình thức kinh doanh. Tất nhiên, họ sẽ cân nhắc để chọn những trọng tài tốt và khi bản án quyết định rồi thì họ phải chấp nhận.

So với các hình thức khác như tranh chấp đất đai, dân sự… rõ ràng trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại mang tính riêng của nó.

Ở các nước có nền tòa án phát triển thì trọng tài vẫn cứ phát triển vì nó phù hợp với bản chất hoạt động của các thương nhân và người ta chấp nhận các rủi ro nếu có.

Cho nên, không nên quá lo ngại việc chuyển sang giải quyết bằng tranh chấp công (tòa án), bởi trong luật đã qui định rất rõ, nếu vi phạm tố tụng, tức là quyền các thương nhân đó nếu không minh bạch từ phía Hội đồng trọng tài thì quyết định đó bị hủy và Hội đồng trọng tài đó sẽ bị mất uy tín.

Thực tiễn cho thấy, ở các nước, họ rất chú trọng đưa ra các tiêu chí đối với trọng tài thương mại như là phải khách quan, vô tư, minh bạch... tự nó có cái hay là việc lạm dụng cơ chế trọng tài là rất khó. Tôi không nói là không thể, bởi Hội đồng trọng tài này do mỗi bên tự chỉ định người và hai bên bầu ra người thứ ba nên rất khó thông đồng.

Nếu làm tốt luật thôi chưa đủ vì để đảm bảo luật được thi hành cần làm tốt cả công tác thi hành án, vậy theo ông, khi làm luật trọng tài thương mại có tính đến việc giải quyết mối quan hệ không?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Cần có rất nhiều điều kiện để luật này đi vào cuộc sống, từ nhận thức của doanh nghiệp, tuyên truyền, đội ngũ trọng tài… đặc biệt là các trung tâm trọng tài.

Về phía tòa án ở nhiều nước, hàng trăm năm nay cũng không có chuyện hủy các quyết định của trọng tài thuơng mại đâu, bởi vì ở họ không chỉ chất lượng trọng tài tốt, mà vì những điều kiện để hủy quyết định của trọng tài thuơng mại phải hết sức chặt chẽ. Theo tôi, Việt Nam cũng nên đi theo xu hướng chung đó.

Do đối tượng cần đến trọng tài thương mại thường là các doanh nhân với nhau cả nên tôi nghĩ rằng các quyết định trọng tài áp dụng cho các doanh nghiệp sẽ không khó khăn như đối với bên hình sự hay dân sự.

Các doanh nghiệp, họ chấp nhận cuộc chơi đó và họ tự nguyện lựa chọn chứ không ai bắt buộc họ chọn trọng tài cả, nên việc thi hành án đối với các đối tượng này cũng phải kiên quyết để đạt được tín nhiệm. Việc này không thể đưa vào trong luật được mà cần thể hiện ở sự quyết tâm của cơ quan thi hành án, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án và các Cục thi hành án ở các địa phương.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục