Giải quyết từ gốc cho nạn ùn tắc ở Hà Nội

Từ đầu tháng 6, thành phố Hà Nội thực hiện phân luồng trên nhiều tuyến đường đã giảm được ùn tắc ở một số “điểm đen”. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế và để giải quyết cơ bản tình trạng này cần những giải pháp tổng hợp và quyết liệt hơn.

Từ đầu tháng 6, thành phố Hà Nội thực hiện phân luồng trên nhiều tuyến đường đã giảm được ùn tắc ở một số “điểm đen”. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế và để giải quyết cơ bản tình trạng này cần những giải pháp tổng hợp và quyết liệt hơn.

Chịu thua giờ cao điểm

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố gia tăng cùng với số lượng phương tiện tham gia giao thông.

Tính đến tháng 3/2009, trên toàn thành phố có 124 điểm nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Đến tháng 5/2009, do áp dụng nhiều biện pháp phân luồng, điều hành hướng dẫn giao thông của Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố, số điểm nguy cơ ùn tắc giao thông giảm xuống còn 91 điểm, tuy nhiên vẫn còn tới 68 điểm nguy cơ ùn tắc cao trong giờ cao điểm.

Nguyên nhân ùn tắc giao thông chủ yếu là do mặt cắt ngang đường hẹp, nhiều luồng giao thông xung đột theo các hướng, nhiều chủng loại phương tiện cùng tham gia giao thông, lưu lượng phương tiện giao thông vượt quá khả năng thông hành của đường và nút giao thông.

Đặc biệt, trong mùa mưa bão, sau các cơn mưa nước không thoát kịp, ứ đọng trên mặt đường gây ùn tắc trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Mặt khác, ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện yếu kém, thường xuyên diễn ra tình trạng lấn làn đường, chuyển hướng không báo hiệu... càng làm gia tăng cảnh ùn tắc.

Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng quá nhanh (khoảng 10-15%) càng làm tăng sức ép về tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu hành trên đường.

Từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã sửa chữa 72.000 m2 mặt đường; tiến hành di chuyển các điểm đỗ dừng xe buýt chưa hợp lý; xén hè, xén dải phân cách mở rộng diện tích lưu thông cho các phương tiện. Thành phố cũng đã phân luồng giao thông; điều chỉnh chu kỳ đèn chỉ huy tín hiệu giao thông tại 11 vị trí thường xuyên ùn tắc như các nút giao thông Tôn Thất Tùng-Trường Chinh, Bưởi-Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy-Nguyễn Khang, Tôn Đức Thắng-Nguyễn Thái Học, Hoàng Quốc Việt-Phạm Văn Đồng, Cống Mọc-Đường Láng, nút Đào Tấn, An Dương-Yên Phụ, Lê Thanh Nghị-Giải Phóng. Tình hình ùn tắc giao thông tại các điểm nóng này đã được cải thiện.

Tuy nhiên, ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố chỉ mới được cải thiện được một phần; tại một số điểm và vào những giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc vẫn thường xuyên xảy ra.

Gốc rễ của vấn đề

Những giải pháp cho đến nay phần nhiều chỉ mang tính tình thế, giải quyết sự bức xúc trước mắt. Gốc rễ của vấn đề, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, là do kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của Hà Nội còn thiếu về số lượng và phân bổ chưa hợp lý; mật độ km đường/diện tích còn chênh lệch khá lớn giữa nội thành và ngoại thành, giữa khu vực Hà Nội cũ và Hà Nội mở rộng.

Hơn nữa, mặc dù triển khai từ lâu nhưng hiện tại chưa có tuyến đường vành đai nào được hoàn chỉnh theo quy hoạch, các nút giao thông lập thể lại quá ít, giao cắt giữa đường sắt và đường bộ đô thị hầu hết là giao cắt đồng mức.

Tóm lại, về cơ bản sự phát triển của hệ thống giao thông không theo kịp sự phát triển của kiến trúc đô thị, hệ thống đường của Hà Nội chưa đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải và phát triển kinh tế-xã hội. Việc ùn tắc thường xảy ra trong nội thành Hà Nội nhưng việc mở rộng các tuyến đường trong nội đô là rất khó khăn do việc giải phóng mặt bằng cực kỳ tốn kém và phức tạp.

Mặt khác, theo ý kiến của một chuyên gia nước ngoài, việc mở rộng các tuyến đường nội đô sẽ càng kích thích người dân mua sắm phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là ôtô và như vậy vẫn không thể giải quyết được tình trạng quá tải về giao thông. Trong khi vấn đề gốc rễ là phải giảm được mật độ phương tiện tham gia giao thông trong nội thành. Và để làm được điều này, phải giãn bớt mật độ dân số trong nội thành ra ngoài mà một trong những biện pháp cần thiết và khả thi là di chuyển các cơ sở giáo dục đại học và các bệnh viện lớn ra ngoại thành.

Thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, Hà Nội đã xúc tiến phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh kế hoạch di dời các trường đại học, các bệnh viện lớn ra khỏi khu vực nội thành cũ. Đồng thời thành phố cũng có chủ trương không xây dựng thêm bệnh viện, trường đại học, trường cao đẳng tại khu nội thành theo định hướng đã xác định trong điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thành phố đã bố trí xây dựng các khu vực cho các trường đại học tại bắc Cổ Nhuế-Chèm, Tây Mỗ, đồng thời sẽ bố trí cơ sở 2 cho một số bệnh viện lớn ra vùng ven nội hoặc ngoại thành như Bệnh viện 1.000 giường của Hàn Quốc tại Cổ Nhuế (Từ Liêm), Bệnh viện An Sinh tại Mễ Trì, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt-Đức tại quận Long Biên. Tuy nhiên, tiến độ di chuyển các công trình này ra khỏi nội thành vẫn rất chậm.

Trong khi đó, nhiều khu trung tâm thương mại, khu văn phòng cao tầng tiếp tục mọc lên trong khu vực nội thành, thậm chí trong các khu phố cũ, càng gia tăng áp lực về tình trạng quá tải giao thông trong nội thành.

Vì vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Hà Nội cần đẩy nhanh quy hoạch chung Thủ đô, nhanh chóng xây dựng được lộ trình di chuyển các trường đại học, bệnh viện lớn từ ra ngoại thành, đồng thời nghiên cứu kỹ việc xây dựng tiếp các công trình thu hút người vào khu vực nội thành./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục