Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Cơ hội để nâng cao chất lượng

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia không chỉ tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Cơ hội để nâng cao chất lượng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được biết tới là Giải thưởng nằm trong Hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Chất lượng châu Á-Thái Bình Dương.

Giải không chỉ tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Trước thềm lễ trao giải năm 2014, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Ngô Quý Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đơn vị tổ chức Giải.

- Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2014 thu hút số lượng doanh nghiệp tham gia ít hơn năm trước với 71 doanh nghiệp. Vậy xin ông cho biết nguyên nhân tình trạng trên và có giải pháp nào khuyến khích các doanh nghiệp tham gia?

Tiến sỹ Ngô Quý Việt: Theo tôi, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc này. Một là về mặt khách quan, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn chưa phục hồi nên nhiều doanh nghiệp còn lo làm thế nào duy trì hoạt động sản xuất, trả lương cho công nhân, người lao động của mình mà chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, thương hiệu... Từ đó, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cùng những công cụ tiên tiến về năng suất chất lượng cũng chưa được quan tâm đến.

Thứ hai về mặt chủ quan, có nhiều ý kiến cho rằng bảy tiêu chí áp dụng cho các doanh nghiệp tham gia Giải rất nghiêm túc và chặt chẽ do được tiếp nhận từ Mỹ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, rất ít doanh nghiệp có thể đạt được đầy đủ các tiêu chí này.

Trong điều kiện như vậy thì nên chăng hạ thấp tiêu chí để doanh nghiệp tham gia đông. Song, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Hội đồng giám khảo đều cho rằng không thể hạ thấp các tiêu chí được vì Giải thưởng này đưa ra nhằm giúp các doanh nghiệp hội nhập thị trường quốc tế.

Nếu chúng ta vì điều kiện nào đó hạ thấp xuống thì những doanh nghiệp trước đây đạt giải thưởng sẽ không chấp nhận. Thêm nữa, mục tiêu của Giải là nâng cao năng suất chất lượng, việc hạ thấp tiêu chí xuống cũng chính là không đạt được mục tiêu ban đầu đưa ra.

Hiện nay, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhìn nhận ra vấn đề này và yêu cầu phải có sự tham gia tích cực hơn nữa từ phía các Bộ, ngành.

Trong thời gian qua, các Bộ, ban, ngành, đơn vị tham gia tương đối thụ động theo hình thức khi có doanh nghiệp đăng ký tham gia Giải thì Bộ Khoa học và Công nghệ mới xin ý kiến các bộ các ngành.

Nhưng từ năm nay, Giải sẽ được triển khai tới các doanh nghiệp theo hướng tự các đơn vị giới thiệu các doanh ngiệp có tiềm năng đạt Giải trong lĩnh vực quản lý cho Hội đồng chấm Giải xem xét.

- Giải thưởng năm nay có 71 hồ sơ tham gia thì có tới 65 doanh nghiệp đạt Giải. Ông đánh giá như thế nào về con số này?

Tiến sỹ Ngô Quý Việt: Công tác đánh giá doanh nghiệp đạt tiêu chí tham gia tranh Giải diễn ra ngay từ Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng tại các địa phương.

Khi khảo sát doanh nghiệp muốn tham gia tranh giải, các chuyên gia nếu nhận thấy doanh nghiệp không đạt tiêu chí sẽ tư vấn cho doanh nghiệp không nên tham gia và nộp hồ sơ. Đây chính là khâu sơ loại của giải thưởng này.

Như vậy, những doanh nghiệp nộp hồ sơ là những doanh nghiệp đã được xem xét và khẳng định đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Do vậy, việc số doanh nghiệp tham gia sát với số lượng giải không có gì lạ cả.

- Trong thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng cùng Bộ Khoa học và Công nghệ có kế hoạch gì, để thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ hơn các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, thưa ông?

Tiến sỹ Ngô Quý Việt: Ngoài Giải thưởng này, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng còn có một số hoạt động trong Chương trình Quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 gọi tắt là Chương trình Năng suất Chất lượng Quốc gia 712.

Trong Chương trình này, Tổng cục được Bộ giao hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu cho các doanh nghiệp kiến thức về tiêu chuẩn. Trong trường hợp doanh nghiệp nhận thấy cần phải có một cơ sở tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật riêng thì đơn vị hướng dẫn họ xây dựng tiêu chuẩn này.

Bên cạnh đó, đơn vị chúng tôi cũng có những chương trình, dự án hỗ trợ các Chi cục và các Tổ chức chứng nhận khác giới thiệu một số công cụ nâng cao năng suất, chất lượng đang được áp dụng trên thế giới như thực hành tốt 5S; các tiêu chuẩn ISO; công cụ Six Sigma...

Nhiều doanh nghiệp nhờ áp dụng những công cụ cải tiến này đã nâng cao được chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu.


- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục