Giảm dân khu đô thị lõi xuống gần 1 triệu người

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, việc mở rộng thủ đô phải xem tâm lý người dân có muốn di chuyển hay không.
Hôm nay, Chính phủ báo cáo Quốc hội về đồ án quy hoạch Thủ đô đến năm 2030. Đây là vấn đề mà không chỉ các đại biểu Quốc hội quan tâm, mà còn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ dư luận.

Về vấn đề này, bên lề hành lang Quốc hội sáng nay, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Tuy đã có đồ án trình lên Quốc hội, nhưng điều quan trọng là phụ thuộc tâm lý người dân có muốn di chuyển từ nơi tập trung đông dân cư trong vùng lõi ra bên ngoài hay không.

- Thưa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo
, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã có, sa bàn cũng đã được lập nên, vậy điều gì cần lưu ý ở bản đồ án này?

Ông Nguyễn Thế Thảo
: Trước tiên là phải tổ chức tốt về mạng lưới giao thông công cộng như đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm. Còn xe buýt, đối với Hà Nội hiện nay trong nội đô, chúng ta cũng đã phát triển nó rồi. Hiện tại, thành phố đang cố gắng cấu trúc lại hệ thống làm sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân Hà Nội. Nhưng rõ ràng chỉ có xe buýt công cộng trong nội đô thì là chưa đủ.

Về việc đầu tư đường sắt trên cao, dưới thấp và kể cả một số nút giao thông hiện nay, nếu nó nằm ngoài vùng kiểm soát của đô thị bảo tồn thì cho phép đầu tư, ví dụ như nút giao thông Kim Liên thì hạ ngầm, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng sẽ phải nâng lên. Một số tuyến giao thông hành lang bên ngoài thì cũng phải đầu tư trên cao nữa để tăng diện tích giao thông. Đó là một số giải pháp về đầu tư dài hạn.

Giải pháp giảm mật độ dân cư trong nội đô thì sẽ làm bằng cách kéo giãn các cơ quan của Trung ương, Chính phủ, các trường đại học, các nhà máy ra bên ngoài để làm hạt nhân tạo thành những khu đô thị mới và có điều kiện cuộc sống tốt hơn. Có như thế thì mới tạo sự hấp dẫn nhằm kéo cư dân của đô thị, nhất là trong trung tâm lõi ra bên ngoài. Mục tiêu phấn đấu làm giảm cư dân ở khu đô thị lõi xuống gần 1 triệu người thôi.

- Nhưng mục tiêu kéo dãn 4 vạn dân ra bên ngoài, nhiều người vẫn còn hoài nghi, thưa ông?


Ông Nguyễn Thế Thảo
: Về mặt định lượng thì điều cốt yếu là làm sao phải thực hiện được những khu đô thị bên ngoài để tạo nên sự hấp dẫn, đủ điều kiện kéo số lượng 4 vạn dân ra. Rồi phải tính đến việc đưa các trụ sở cơ quan, trường đại học ra bên ngoài và đi kèm với nó là hệ thống dịch vụ nữa.

Vấn đề quan trọng là phụ thuộc vào tâm lý của người dân có muốn đi không. Vấn đề vốn thực hiện thì phải có lộ trình để tính toán rất kỹ thì mới có thể giải quyết được.

- Xin cảm ơn Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo./.


Theo báo cáo số 1543 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 12 ngày 26/5/2010 thì Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến có tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050 khoảng 90 tỷ USD. Khung hạ tầng chiếm từ 40% đến 50% tổng vốn, như vậy đến năm 2030, có từ 20 đến 30 tỷ USD đầu tư vào xây dựng khung hạ tầng.

Theo Đồ án, đến năm 2030, dân số 5 đô thị vệ tinh khoảng 1,3-1,4 triệu người, trong đó: Đô thị Hòa Lạc khoảng 60 vạn, Đô thị Sơn Tây khoảng 18 vạn, Đô thị Xuân Mai khoảng 22 vạn, Đô thị Phú Xuyên-Phú Minh khoảng 12,7 vạn, Đô thị Sóc Sơn khoảng 25 vạn người.

Định hướng phát triển giao thông của Đồ án, nhìn chung bảo đảm tính hiện đại, sự đồng bộ giữa các loại hình: đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy, trong đó nổi bật là xe buýt nhanh, đường sắt đô thị; tổ chức giao thông vành đai kết hợp với giao thông hướng tâm; kết nối giữa đô thị vệ tinh và trung tâm thành phố.

Trong báo cáo số 64, ngày 18/5/2010 của Chính phủ nêu rõ: Về định hướng phát triển nhà ở đến năm 2030, nhà ở khu vực thành thị phấn đấu tăng từ 25,1 m2 sàn sử dụng/người (năm 2009) lên trên 30m2 sàn sử dụng/người và nhà ở nông thôn tăng từ 17,9m2 sàn sử dụng/người (năm 2009) lên trên 25m2 sàn sử dụng/người.

Tại chuỗi khu đô thị mới phía Đông, dọc đường vành đai 4, khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, xây dựng nhà ở mới, giảm tải trực tiếp cho đô thị trung tâm. Nâng cao chỉ tiêu, chất lượng nhà ở chung cho toàn đô thị. Hạn chế phát triển nhà ở riêng lẻ, các loại hình nhà ở không khai thác hiệu quả tài nguyên đất.../.
Vũ Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục