Giám đốc Công an chịu trách nhiệm nếu để xảy ra đua xe trái phép

Để xảy ra tình trạng đua xe trái phép, Giám đốc công an tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử lý nghiêm minh lái xe vi phạm chống người thi hành công vụ.
Giám đốc Công an chịu trách nhiệm nếu để xảy ra đua xe trái phép ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Hàng loạt những vấn đề "nóng" về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống xe quá tải, xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hay phải xử lý nghiêm lái xe vi phạm chống người thi hành công vụ cũng như vấn nạn đua xe gắn trách nhiệm Giám đốc Công an tỉnh, thành đã được cơ quan quản lý Nhà nước thảo luận tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng công tác an toàn giao thông vào chiều ngày 4/7.

Không để xảy ra đua xe trái phép

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng đua xe trái phép là diễn ra khá thường xuyên trên địa bàn thành phố. Trong 6 tháng vừa qua, có 22 tốp thanh niên tụ tập đua xe, tăng 4 lần so với cùng kỳ (tăng 22%), trong đó lực lượng chức năng đã xử lý được 52 trường hợp vi phạm, tạm giữ 64 môtô.

“Thành phố Hồ Chí Minh cố gắng tổ chức chỉ đạo các lực lượng vào cuộc để giải quyết tình trạng đua xe trái phép,” ông Khoa khẳng định.

[Bắt giữ nhóm "quái xế" có hành vi đua xe, lạng lách đánh võng]

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông ban hành 6 kế hoạch, 40 điện và trên 55 văn bản chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Từ đầu năm đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý 2.244.116 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 1.500 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2016, xử lý tăng 174.727 trường hợp (+8,4%), tiền phạt tăng 193,5 tỷ đồng (+14,8%).

Nhấn mạnh ý thức chấp hành pháp luật, hiệu lệnh của lực lượng chức năng của một số lái xe còn kém, Thứ trưởng Sơn đưa ra số liệu dẫn chứng, trong 6 tháng, có hơn 2.000 vụ án bị khởi tố, 1.841 bị cáo là lái xe, đây là một con số đáng báo động hiện nay.

“Chống đối người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng cần phải thực hiện xử lý một cách nghiêm minh. Các địa phương không để xảy ra đua xe trái phép. Nếu để xảy ra tình trạng này thì Giám đốc Công an tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trực tiếp,” Thứ trưởng Sơn quả quyết.

Bùng phát xe quá tải

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam thừa nhận, kiểm soát tải trong xe được liên Bộ Giao thông Vận tải và Công an triển khai một thời gian nhưng hiện nay không có sự phối hợp với lực lượng công an nên có sự khó khăn.

Thực tế tại cảng Cát Lát (Thành phố Hồ Chí Minh), ông Thanh đã tận mắt chứng kiến các xe chở hàng quá tải đã san tàn sau đó tiếp tục chở hàng vượt tải trọng tại cảng này diễn ra ngang nhiên nhưng lực lượng chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý.

[Xe quá tải "nhờn thuốc", doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản]

Do đó, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị có kế hoạch liên ngành giữa Bộ Giao thông Vận tải và Công an, trong trường hợp không có sự phối hợp thì giao cho lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải được thẩm quyền trực tiếp xử lý vi phạm đồng thời tăng cường kiểm tra xe chở hàng ở các khu mở, nguồn hàng; xử lý nghiêm xe chở hàng quá tải, bắt buộc san tải ngay; hạn chế tiêu cực bằng cách lắp đặt trạm cân ở trạm thu phí ngăn xe quá tải vào các tuyến đường, áp dụng phạt nguội…

Về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu và triển khai các trạm thu phí lắp cân tự động, xe đi qua sẽ cân và kiểm soát tải trọng xe liên tục. Cả nước đã có 9/28 vị trí đã được lắp đặt thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe kết hợp với trạm thu phí

“Trong năm 2016, có những thời điểm, xe chở quá tải chỉ còn khoảng 7,1%. Tuy nhiên hiện nay, tình hình xe ô tô chở quá tải có dấu hiệu tái diễn tại các địa bàn có mỏ vật liệu như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Đồng Nai…,” ông Huyện chỉ đích danh và đề nghị các địa phương này phải có biện pháp xử lý xe chở quá tải.

[Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn xe quá tải sau phản ánh của VietnamPlus]

Đối với các điểm đen tai nạn giao thông, đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, các đơn vị chức năng đã điều chỉnh, thay thế 1.780 cọc tiêu, biển báo; thực hiện sửa chữa, bổ sung hộ lan tôn sóng tại các vị trí nguy cơ mất an toàn giao thông được 142km; xử lý 202 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Giám đốc Công an chịu trách nhiệm nếu để xảy ra đua xe trái phép ảnh 2Lực lượng chức năng tiến hành kiểm soát tải trọng xe. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bổ sung thêm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải các địa phương ưu tiên sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc tại vị trí đường bộ giao cắt cùng mức với đường sắt.

“An toàn giao thông đường sắt chỉ chuyển biến tốt khi có sự phối hợp giữa Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các địa phương,” Bộ trưởng Nghĩa lưu ý.

Lực lượng thực thi còn dung túng vi phạm!

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra những vụ đặc biệt nghiêm trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

“Một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định, đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện,” Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện và chỉ đạo địa phương xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thong trên hệ thống đường bộ; bổ sung gờ giảm tốc, cảnh báo nguy hiểm tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt; rà soát, điều chỉnh biển báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn mới, báo cáo tình hình thực hiện trong quý 3 này.

[Hơn 2.100 tỷ đồng xử lý xóa 876 điểm đen tai nạn giao thông]

“Tai nạn giao thông xảy ra liên tục tại các điểm đen vậy đó là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải hay địa phương? Do đó, phải nhận thức được trách nhiệm để công tác đảm bảo an toàn giao thông được tốt hơn,” Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an xây dựng kế hoạch chuyên đề về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng đối với ôtô chở hàng hóa trên đường bộ trong giai đoạn 2017-2020; khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại các trạm thu phí BOT trên đường bộ; cung cấp dữ liệu cho cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông vận tải để xử lý vi phạm…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục