Giám đốc điều hành BP từ chức sau vụ tràn dầu

Dự kiến, Giám đốc điều hành Hayward sẽ chính thức từ chức vào ngày 1/10 tới và tiếp tục tham gia hội đồng điều hành hãng tới 30/11.
Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Anh BP Tony Hayward ngày 27/7 đã tuyên bố từ chức.

Đây được coi là một động thái nhằm phần nào vớt vát hình ảnh và uy tín của hãng sau thảm họa "thủy triều đen" trên Vịnh Mexico của Mỹ.

Phát biểu tại London, Anh, ông Hayward khẳng định vụ nổ giàn khoan tại Vịnh Mexico là một thảm họa tồi tệ và với tư cách là người điều hành BP vào thời điểm xảy ra thảm họa, ông thấy mình có một trách nhiệm lớn.

Dự kiến, Giám đốc điều hành Hayward sẽ chính thức từ chức vào ngày 1/10 tới và tiếp tục tham gia hội đồng điều hành hãng tới ngày 30/11. Ông Hayward làm giám đốc điều hành của BP từ năm 2007 và là quan chức cao cấp đầu tiên của hãng phải ra đi do sự cố tràn dầu tại Mỹ, sau khi giàn khoan dầu Deepwater Horizon nổ trung tuần tháng Tư vừa qua.

Theo kế hoạch, ông Bob Dudley, người chịu trách nhiệm giám sát hoạt động khắc phục sự cố tràn dầu của BP từ tháng trước, sẽ là người kế nhiệm ông Hayward, trở thành người Mỹ đầu tiên đảm nhiệm cương vị giám đốc điều hành BP.

Trong một tuyên bố cùng ngày, ông Dudley khẳng định hãng sẽ thay đổi cách thức lâu nay của mình trong giải quyết các vấn đề liên quan tới an toàn. Quan chức này cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của BP là bịt vĩnh viễn miệng giếng dầu trên Vịnh Mexico, thu gom lượng dầu tràn và dọn sạch các vùng biển bị ảnh hưởng.

Thay đổi nhân sự lãnh đạo này đã được ban giám đốc BP cân nhắc kỹ lưỡng. BP đang phải chịu sức ép rất lớn cho dù đã tạm thời ngăn chặn được dầu rò rỉ từ giếng dầu gặp sự cố. Một số nghị sĩ Mỹ còn muốn cấm BP thực hiện thêm các dự án dầu ngoài khơi. Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ có cuộc bỏ phiếu trong tuần này để làm rõ trách nhiệm của hãng.

Các chuyên gia phân tích cho rằng dù ai là người lãnh đạo thì các giám đốc của BP vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Họ cần phải thuyết phục các cổ đông, các nhà quản lý và quan chức chính phủ ở Mỹ và các quốc gia khác, nơi BP hoạt động, rằng hãng có thể trả được mọi chi phí khắc phục sự cố tràn dầu trong khi đảm bảo phát triển kinh doanh trên toàn cầu.

Trong quý hai vừa qua, BP đã ghi nhận mức thua lỗ kỷ lục (16,9 tỷ USD) và sẽ phải bán phần tài sản trị giá 30 tỷ USD trong 18 tháng tới. Tính đến nay, hãng đã tiêu tốn tới 3,5 tỷ USD để khắc phục sự cố, trong khi số tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng có thể còn lớn gấp 10 lần con số trên.

Trong một diễn biến liên quan, phía Mỹ đã mời các nhà khoa học Nga thuộc Học viện nghiên cứu sinh thái và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên ở Tiumen tham gia dự án xử lý vết dầu loang tại Vịnh Mexico.

Trong thông báo ngày 27/7, Học viện Tiumen cho biết phía Mỹ đã nhận được hơn 60.000 đề xuất giải pháp khắc phục sự cố này và đã chọn phương án của Học viện Tiumen vì cho rằng đây là giải pháp "hợp lý và hiệu quả nhất." Các chuyên gia Nga cho rằng phải mất ít nhất một năm để khắc phục hậu quả thảm họa môi trường tồi tệ nhất tại Mỹ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục