Giảm đốt vàng mã, chấn chỉnh các biểu hiện lệch lạc trong lễ hội

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân giảm đốt vàng mã, đồ mã tại các khu di tích, nơi thờ tự, cơ sở tín ngưỡng.
Giảm đốt vàng mã, chấn chỉnh các biểu hiện lệch lạc trong lễ hội ảnh 1Đốt quá nhiều vàng mã gây tốn kém, ô nhiễm môi tường và mất an toàn về cháy nổ. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Ngày 20/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã chủ trì hội sơ kết công tác tổ chức quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Mậu Tuất năm 2018.

Ý kiến của các đại biểu cho thấy công tác tổ chức, quản lý lễ hội đầu Xuân năm nay đã có nhiều tiến bộ tích cực, các vấn đề hạn chế từ mùa lễ hội năm 2017 đã giảm nhiều.

Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh, lịch sự nơi lễ hội, hạn chế các hành vi phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn có những vấn đề tồn tại cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương để đổi mới phương thức tổ chức, quản lý.

Nghiêm túc chấn chỉnh lệch lạc trong lễ hội

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ mùa lễ hội năm 2018, công tác tham mưu, ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương đã kịp thời, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Bộ xác định việc tổ chức, quản lý lễ hội đầu Xuân là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

Các địa phương đồng tình vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cùng các cơ quan chức năng của Bộ nắm chắc địa bàn, kịp thời xử lý các vấn đề nổi cộm, phát sinh trong hoạt động lễ hội. Các địa phương đã nhận thức được vị trí của quả tổ chức, quản lý lễ hội trong quản lý văn hóa cũng như đời sống văn hóa cộng đồng…

Năm nay, công tác tuyền thông đối với hoạt động lễ hội rất kịp thời, khách quan. Không chỉ phản ánh những vấn đề nổi cộm, bức xúc, các cơ quan truyền thông cũng vào cuộc quảng bá các giá trị các lễ hội, nêu gương những địa bàn, lễ hội làm tốt để động viên địa phương, nâng cao trách nhiệm phối hợp quản lý, tổ chức lễ hội. Có thể khẳng định công tác tuyên truyền đã góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nêu rõ hoạt động lễ hội đang có những biểu hiện lệch lạc, nên mới sinh ra việc nhiều địa phương nâng cấp nâng cấp quy mô, mở rộng phạm vi lễ hội, đưa nhiều nội dung không phù hợp, không có trong hồ sơ di tích di sản vào hoạt động lễ hội. Có thể kể đến các nội dung như phát ấn, phát lộc, xóc thẻ… những biểu hiện như thế là không đúng đắn trong khai thác các giá trị lễ hội truyền thống.

Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần nhận diện giá trị di tích, di sản, lễ hội, phải tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, không xuyên tạc, bóp méo, không đưa vào lễ hội những biểu hiện lệch lạc, phản cảm. Nếu không quản lý, siết chặt việc này sẽ tiếp tục mở rộng sự lệch lạc, bóp méo, xuyên tạc sang nhiều địa phương khác, đó là có tội tổ tiên và với thế hệ mai sau.

[Loại bỏ những hình ảnh xấu trong nhiều lễ hội ở Hà Nội]

Các địa phương cần nghiêm túc chấn chỉnh các hiện tượng lệch lạc này. Các hoạt động văn hóa đang thực hiện theo Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước," việc đưa các nội dung lệch lạc vào lễ hội là thực hiện không nghiêm túc tinh thần của Nghị quyết. Làm nghiêm túc, tới đây sẽ không phải chạy theo hiện tượng, sự vụ, điểm nóng, vấn đề bức xúc ở các địa phương...

Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền về giá trị lịch sử của lễ hội, nhận diện đúng để thực hiện đúng; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan ban ngành để hạn chế hơn nữa những hiện tượng phản cảm. Các địa phương cần có định hướng giảm tần suất tổ chức các lễ hội…

Vận động nhân dân giảm đốt đồ mã, vàng mã

Đốt đồ mã, vàng mã trong lễ hội là vấn đề đang tồn tại và cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra giải pháp thích hợp trong thời gian tới. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây cũng đưa ra khuyến cáo cộng đồng không đốt vàng mã, đồ mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng tình ủng hộ chủ trương này.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nêu rõ thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân giảm đốt vàng mã, đồ mã tại các khu di tích, nơi thờ tự, cơ sở tín ngưỡng.

Sắp tới, sẽ có hội thảo, tuyên truyền rộng rãi chủ trương này đến với đông đảo quần chúng nhân dân, đề nghị các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu phải đưa ra giải pháp, lộ trình triển khai phù hợp. Việc giảm, tiến tới không đốt đồ mã là chủ trương đúng đắn, cộng đồng người dân cơ bản là đồng thuận, nhưng không dễ thực hiện ngay.

Việc đốt đồ mã, vàng mã gây lãng phí, ảnh hưởng sức khỏe, vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Để loại bỏ hoàn toàn việc này khỏi đời sống cộng đồng cần có biện pháp đồng bộ, từ việc xử lý các cơ sở sản xuất, tiêu thụ bởi gây ảnh hưởng đến mưu sinh của nhiều người; tiếp đến là những việc liên quan đến tập tục, tín ngưỡng gắn với đời sống cộng đồng người Việt từ bao đời nay.

Tuy việc này rất khó khăn nhưng phải có lộ trình và giải pháp từng bước. Trước mắt, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để cộng đồng người dân hiểu, đồng tình ủng hộ.

Lễ hội đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh những năm trước là điểm “nóng” về đốt vàng mã, đồ mã, năm nay, Ban tổ chức tiếp tục vận động khách thập phương hạn chế đốt đồ mã, vàng mã hoặc sau khi lễ đồ mã, vàng mã được gửi vào kho của nhà đền…

Kiên quyết với lễ hội chọi trâu

Lễ hội chọi trâu cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đề cập đến tại hội nghị. Quan điểm thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là không cấp phép tổ chức các lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống, vì mục đích thương mại. Mùa lễ hội đầu Xuân Mậu Tuất, chỉ có hai nơi được phép tổ chức lễ hội chọi trâu là Hội chọi trâu Phù Ninh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ; Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, sắp tới sẽ là Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng).

Cơ bản các ý kiến tại hội nghị đều đồng thuận với việc dừng tổ chức lễ hội chọi trâu bởi đây hoàn toàn là mục đích thương mại, có yếu tố bạo lực. Người dân hoàn toàn không được thụ hưởng giá trị văn hóa nào trong các lễ hội chọi trâu này. Do dó, có ý kiến cho rằng chỉ nên giữ lại duy nhất Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn dưới dạng di sản mang tính ký ức.

Với Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Hải Phòng có đề án điều chỉnh hình thức, quy mô tổ chức.

Giảm đốt vàng mã, chấn chỉnh các biểu hiện lệch lạc trong lễ hội ảnh 2Thi đấu trong Hội chọi trâu Phù Ninh năm 2018. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Với hai lễ hội còn lại ở Phù Ninh (Phú Thọ), Hải Lựu (Vĩnh Phúc), nếu muốn tổ chức tiếp phải đổi mới cách thức thực hiện bằng hành động cụ thể: rà soát quy trình tổ chức phù hợp với lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ hội; giảm số lượng trâu chọi; xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội cũng như phòng ngừa, xử lý các tình huống phát sinh...

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định Lễ hội chọi trâu có tính chất bạo lực là quá rõ ràng. Việc thương mại hóa cũng rất rõ, biểu hiện là bán vé xem chọi trâu, xẻ thịt trâu bán giá cắt cổ... Đằng sau đó còn có những tác động tiêu cực, bất ổn về trật tự an toàn xã hội, đây cũng là thực tế phát sinh ở lễ hội này.

Các địa phương cần lưu ý phát huy những lễ hội mang tính giáo dục cao, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, còn những lễ hội vì mục đích thương mại, có tính chất bạo lực, phản cảm cần phải được loại bỏ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục